Cánh đồng “một giống” – nguy cơ dịch bệnh

Trong vụ lúa đông-xuân vừa qua, các tỉnh phía Nam thành công về nhiều mặt do áp dụng hàng loạt các biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần bàn, trong đó giống là yếu tố quan trọng nên cần được xem xét cụ thể hơn để có những khuyến cáo kịp thời cho nông dân trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn.

Việc tăng diện tích giống lúa có khả năng kháng rầy nhiều mức độ khác nhau như IR 50404, OM 4498…; giảm các giống bị nhiễm rầy như OM 1490, IR 64, các giống nếp và giữ nguyên diện tích các loại giống có tính thích nghi rộng, năng suất khá ổn định và chất lượng tốt như VNĐ 95-20, OM 3536, AS 996, MTL 384, OMCS 2000… được khẳng định là đúng hướng.

Theo Cục Trồng trọt, việc sử dụng nhiều giống sẽ đảm bảo tính đa dạng sinh học, giảm áp lực sâu bệnh, nhưng phải đảm bảo một giống lúa (dù giống nhiễm hay giống kháng) không được vượt quá 15%-20% diện tích/vùng để sâu bệnh - nhất là rầy nâu và việc phát sinh nòi mới bệnh đạo ôn - chậm thích nghi nhằm kéo dài thời gian an toàn của lúa. Tiếc rằng, con số trên không được đảm bảo trong vụ vừa qua.

Nhiều giống lúa trên chiếm tỷ lệ lớn và khá tập trung. Đơn cử như giống lúa thơm Jasmine 85 chiếm đến 40% tại Cần Thơ, 20% tại Tiền Giang nên bị nhiễm rầy khá nặng tại một số tỉnh. Hay giống IR 50404 và OM 576 chiếm tỷ lệ rất cao tại Đồng Tháp (43,6%), Trà Vinh (40%), Tiền Giang (31%), Hậu Giang (20%). Nếu tính diện tích toàn vùng ĐBSCL chưa có giống nào vượt quá tỷ lệ 20% so với diện tích sản xuất, nhưng sự phân bố giống lúa ĐBSCL cần được khắc phục cả về cơ cấu và tỷ lệ giống do chưa đồng đều ở các tỉnh.

Sự gia tăng diện tích một cách đột biến của vài giống lúa, nhất là giống chống chịu rầy nâu như nêu trên là không ổn. Do thị trường và tập quán sản xuất đã hình thành những cánh đồng “một giống” như giống Jasmine ở Cần Thơ, Vĩnh Long làm giảm khả năng đa dạng hóa sinh học và nguy cơ mất ổn định ngày càng cao. Ngay cả việc sử dụng giống kháng rầy với tỷ lệ cao cũng sẽ làm tăng khả năng ổn định.

Đáng lo ngại là những giống lúa như IR 50404 và OM 576 vừa chống sâu bệnh, vừa cho năng suất cao mà giá lại không có sự chênh lệch so với giống chất lượng cao nên đã khiến không ít nông dân không tuân theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt. Trong vụ hè-thu này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để hạn chế diện tích canh tác một giống lúa trên một vùng nào đó. 

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục