Cảnh giác lừa đảo quyên góp từ thiện trên mạng xã hội

Theo phản ánh của bạn đọc Báo SGGP, thời gian qua, trên mạng xã hội rộ lên hành vi lừa đảo với chiêu trò khi kêu gọi quyên góp từ thiện, khiến nhiều người bức xúc. Cách dễ thấy nhất là “sáng tác” một câu chuyện bi thương, đính kèm vài tấm hình giả cùng số điện thoại và tài khoản ngân hàng (tự nhận là của người nhà bệnh nhân) để kêu gọi hỗ trợ.
Một trường hợp lừa đảo quyên góp từ thiện trên mạng xã hội
Một trường hợp lừa đảo quyên góp từ thiện trên mạng xã hội

Cẩn thận để không mất tiền

Trong một lần lướt Facebook, chị Nguyễn Bích Ngọc (42 tuổi, làm nghề kinh doanh tại quận 4, TPHCM) cảm động trước mẩu tin kể về một cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo, kèm ảnh chụp bệnh nhân này tiều tụy, chỉ còn da bọc xương, đang truyền nước biển tại bệnh viện. Thấy hoàn cảnh cậu bé khó khăn, cha mẹ ít học, chị Ngọc cảm thương nên đăng lại các hình và nội dung đó trên trang cá nhân để kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Sau 2 tuần, vận động được hơn 350 triệu đồng, chị Bích Ngọc đích thân đến địa chỉ theo như bài đăng thì thấy gia đình không thiếu thốn như miêu tả. Dò hỏi nhiều nhà hàng xóm, chị Ngọc biết đây là gia đình có hoàn cảnh rất phức tạp, cậu bé chị định giúp thật ra bị nghiện ma túy, từng dùng dao đâm người nhà để vòi tiền. “Tôi chán nản quay về, trả hết tiền lại cho từng người bạn. Cảm thấy một phần xấu hổ, một phần thất vọng, nhưng may là mình đi tận nơi chứ không chuyển qua tài khoản”, chị Ngọc kể. 

Tuần qua, trên mạng xã hội chia sẻ rộng rãi mẩu tin “Hiện tại bé Đào Văn Quân sinh năm 2018, con của ba Đỗ Đức Lâm - hiện đang công tác tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, đang nằm Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM với chẩn đoán: Thông liên thất màng, và có chỉ định mổ trong tuần tới”. Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng xác nhận không có bệnh nhân nào tên là Đào Văn Quân, đồng thời cảnh báo về chiêu lừa đảo này.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, hành vi lợi dụng các hoàn cảnh thương tâm để kêu gọi từ thiện, sau đó chiếm đoạt số tiền này là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp kêu gọi quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại chiếm đoạt thì căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được.

Nghiêm trọng hơn, hành vi này có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định, thì tùy mức độ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

Giữ lại các thông tin, bằng chứng 

Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11-12-2021 là nghị định đầu tiên mở ra hành lang pháp lý cho phép cá nhân huy động và phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước. Theo đó, người đứng ra quyên góp từ thiện có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú. 

Người đóng góp từ thiện có quyền yêu cầu sao kê, minh bạch, làm rõ các thông tin liên quan. Nếu người kêu gọi nhận tiền không làm được nghĩa là đã vi phạm hợp đồng ủy quyền, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người ủng hộ tiền. Theo quy định, chỉ người có đóng góp từ thiện mới được quyền yêu cầu sao kê, minh bạch. Vì vậy, khi khiếu kiện ở cơ quan chức năng, người dân cần chuẩn bị đủ bằng chứng về việc bản thân đã chuyển tiền hoặc hiện vật cho quá trình làm từ thiện này. Kể cả khi đối tượng dùng tài khoản ảo, xóa tài khoản, người dân cần giữ lại các bằng chứng như thông tin liên quan tới kêu gọi từ thiện, chứng từ chứng minh việc chuyển tiền, số tài khoản nhận tiền để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh tội phạm.

Bên cạnh đó, Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định người làm từ thiện không được sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện mà phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận tiền từ thiện. Do đó, người dân không nên gửi tiền vào tài khoản cá nhân của người làm từ thiện.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, khuyến cáo: Việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện sẽ do UBND cấp xã nơi người làm từ thiện cư trú quản lý. Trước khi gửi tiền từ thiện, người dân nên liên hệ các cơ quan này xác minh danh tính tổ chức, cá nhân làm từ thiện, đối tượng cần được từ thiện để tránh trường hợp đối tượng lừa đảo lợi dụng các hoàn cảnh thương tâm để kêu gọi từ thiện, sau đó chiếm đoạt tiền.

Tin cùng chuyên mục