Cảnh giác với chấn thương thận kín sau té ngã

Bất cẩn trong lúc chơi đùa, trẻ có thể té ngã, gây va đập mạnh. Sau cú ngã, nhiều trẻ vẫn tỉnh táo nên cha mẹ, nhà trường chủ quan, bỏ qua các biểu hiện trẻ đau liên tục vùng hông lưng phải hoặc nôn ói…, gây hệ lụy khôn lường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Bé L.B.N.A.K. (12 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) gần đây liên tục kêu đau vùng thắt lưng, nóng sốt và nôn ói… Gia đình đưa bé tới bệnh viện địa phương thăm khám, được chẩn đoán đau lưng. Sau 3 ngày dùng thuốc theo toa tại nhà, cơn đau nhức của K. không thuyên giảm. Bé được đưa đến khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 và được bác sĩ chẩn đoán tổn thương thận độ 1. Mẹ K. cho biết, khoảng 2 tháng trước, trong khi chơi đùa cùng bạn ở trường, bé bị té đập mạnh vùng hông phải xuống bậc thang. Về nhà, bé K. kể sự việc cho mẹ biết và được xức dầu nóng để tan vết bầm, gia đình không đưa bé đi thăm khám ngay.

Theo bác sĩ CKI Huỳnh Công Chấn, khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1, bé K. bị chấn thương thận kín. Mỗi tháng khoa tiếp nhận 1-2 ca, trong giai đoạn trẻ nghỉ hè thì tiếp nhận 3-10 ca/tháng. Đa số trẻ bị chấn thương mức độ 1, 2, 3; có trường hợp chấn thương mức độ 5, phải bị cắt bỏ thận.

TS-BS Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, thông tin, chấn thương bụng nói chung và chấn thương thận nói riêng ngày càng phổ biến, nguyên nhân thường gặp là tai nạn khi các bé vui chơi, hoạt động thể dục - thể thao, tai nạn giao thông. Chấn thương thận kín là tổn thương thận nhưng thành bụng hay thành lưng không bị thủng, chiếm 80%-85% số ca tổn thương thận ở trẻ em; bé trai thường bị chấn thương này hơn bé gái do hiếu động.

Để giúp chẩn đoán trẻ có bị chấn thương thận kín hay không, bác sĩ cần chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh học, như xét nghiệm máu nhằm đánh giá sự mất máu và chức năng thận; siêu âm đánh giá chấn thương thận và chụp cắt lớp điện toán (CT Scaner) có tiêm chất cản quang giúp xác định có chấn thương thận, phân độ chấn thương thận và xác định các tổn thương phối hợp... Khi nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể. Lưu ý không để trẻ đến bệnh viện thăm khám quá trễ, dễ dẫn đến biến chứng nặng tới mức độ 5, nguy cơ phải cắt bỏ thận, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần của trẻ.

“Trong thời gian xuất viện về nhà, bệnh nhân phải đến tái khám theo lịch của bác sĩ để theo dõi hình ảnh học, phân tích nước tiểu, chức năng thận, huyết áp nhằm phát hiện các biến chứng của chấn thương”, TS-BS Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục