Cảnh giác với trái cây “lên đời”

Hiện nay, trên thị trường đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc nhập khẩu về nước ta qua các đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái… Tuy nhiên, do cơ quan chức năng không kiểm soát được nguồn gốc nên tư thương đã thừa cơ dán mác “ngoại xịn” để đánh lừa người tiêu dùng.
Cảnh giác với trái cây “lên đời”

Hiện nay, trên thị trường đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc nhập khẩu về nước ta qua các đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái… Tuy nhiên, do cơ quan chức năng không kiểm soát được nguồn gốc nên tư thương đã thừa cơ dán mác “ngoại xịn” để đánh lừa người tiêu dùng.

  • “Tem” Tây, trái Trung Quốc

Mặc dù Việt Nam được coi như một trong những vựa trái cây lớn ở Đông Nam Á, nhiều loại trái cây còn xuất khẩu ra nước ngoài, vậy nhưng, hiện chúng ta lại đang nhập ồ ạt trái cây ngoại để tiêu dùng, trong đó có cả những loại nông dân trong nước đang nỗ lực trồng và xuất khẩu với trữ lượng lớn, như dưa hấu, xoài, thanh long...

Trái cây Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai.

Trái cây Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai.

Nếu như vài năm về trước, các loại trái cây nhập ngoại chỉ bày trong siêu thị (với giá rất đắt) thì giờ đây, ở bất cứ địa điểm nào, từ vỉa hè tới góc chợ, đâu đâu cũng gặp những loại trái cây “đặc sản” dán mác phương Tây đàng hoàng, được bày bán la liệt. Tại các chợ ở Hà Nội, người tiêu dùng bị mê hoặc bởi các loại trái cây được cho là nhập khẩu từ Mỹ, Australia, Chile, New Zealand….

Thế nhưng, thực tế, có tới 80% trái cây loại này đều nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch ở các tỉnh phía Bắc, một phần nữa được nhập khẩu từ Thái Lan, chứ trái cây thực sự từ phương Tây khá ít ỏi. Tại các chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc)… hàng đêm vẫn đón nhận hàng trăm lượt xe tải chở trái cây nhập khẩu từ ba ngả cửa khẩu chính là Lào Cai, Tân Thanh và Móng Cái. Trước khi đưa ra thị trường, tư thương vô tư sử dụng tem nhập khẩu, mác “tây” để dán lên trái cây Trung Quốc, rồi bán với giá “trên trời” nhằm móc túi người tiêu dùng. Chẳng hạn táo Mỹ giá 120.000 đồng/kg, nho đen (đỏ) Australia không hạt 200.000 đồng/kg, cam vàng Mỹ 110.000 đồng/kg, lê Australia 250.000 đồng/kg…

Theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thực tế vẫn có một lượng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây, nhưng không đáng kể. Người mua tin rằng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây có một quy trình sản xuất sạch, được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nên nhiều người tìm mua, bị móc túi bởi mua nhầm trái cây Trung Quốc. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, thừa nhận trên địa bàn Hà Nội, việc kiểm soát, quản lý nguồn gốc các loại trái cây nhập khẩu rất khó. Hiện nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được việc bắt buộc phải có chứng nhận nguồn gốc đối với hoa quả nhập khẩu, mặc dù đã có quy định, nên không phải lúc nào cũng kiểm soát được. Trong khi chỉ nhìn mắt thường không thể biết đâu là táo Mỹ, New Zealand, nho Trung Quốc...

  • Kiểm soát xuất xứ

Ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày vẫn đang có hàng chục tấn trái cây Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta. Còn ở cửa khẩu Lào Cai, trung bình mỗi ngày có hơn 400 tấn rau củ quả các loại nhập khẩu, trong đó chiếm 50% là trái cây tươi. Ông Trần Vũ Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Lào Cai, cho biết, mặt hàng trái cây đã được miễn thuế nên các doanh nghiệp không còn phải buôn lậu nữa, thoải mái nhập về. Còn theo Bộ NN-PTNT, hiện nay chúng ta đang nhập tới 27 loại trái cây của Trung Quốc.

Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, từ lâu chất lượng và nguồn gốc các loại trái cây Trung Quốc đã làm nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Để thực hiện lộ trình kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, đồng thời triển khai cơ chế mở cửa tự do buôn bán thương mại, vào tháng 7-2008, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện chương trình kiểm soát lẫn nhau về nguồn gốc trái cây nhập khẩu. Theo đó, toàn bộ các loại trái cây Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có bao bì ghi nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác, địa chỉ nơi trồng, nơi đóng gói… để tiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Thế nhưng cho tới nay, mới chỉ có phía Trung Quốc làm chặt chẽ, còn chúng ta lại buông lỏng việc kiểm soát nguồn hàng vào.

Điều này đã gây khó khăn không chỉ cho việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn nông sản mà ngay cả việc truy xuất nguồn gốc khi xảy ra các sự cố như phát hiện có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng… cũng nan giải.

Ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng thừa nhận, từ trước tới nay việc kiểm soát chất lượng cũng như nguồn gốc trái cây nhập ngoại, cũng như trái cây nói chung, không rõ ràng là trách nhiệm của Bộ Y tế hay Bộ NN-PTNT. Bộ Y tế khẳng định rằng chỉ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm đã qua chế biến. Còn phía Bộ NN-PTNT thì giao cho Cục Bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, trong các văn bản quy định trách nhiệm đối với trái cây nhập khẩu vào Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật chỉ dừng lại ở mức kiểm tra có mầm dịch hại cây trồng, còn về chất lượng an toàn thực phẩm, dư lượng các thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chế độ bảo quản ra sao, vẫn chưa được quy định.

Tuy nhiên, ông Phùng Hữu Hào cho biết, Luật An toàn thực phẩm sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-7 sắp tới. Để triển khai Luật này, Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư 13/2011/TT-NNPTNT về kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật và ngay sau đó là Thông tư 14/2011/TT-NNPTNT về quản lý vệ sinh an toàn với các mặt hàng nông lâm thủy sản ở nội địa. Trong đó có quy định rõ, các mặt hàng như trái cây và nông thủy sản nói chung được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam thì không những doanh nghiệp nhập khẩu phải có chứng nhận rõ ràng về nguồn gốc mà các doanh nghiệp cũng như đối tác nước ngoài khi xuất khẩu vào Việt Nam phải gửi hồ sơ đăng ký nguồn gốc cho cơ quan quản lý của Việt Nam để theo dõi và truy xuất khi cần thiết.

Ông Hào khẳng định, trách nhiệm kiểm tra toàn bộ các tiêu chuẩn đối với trái cây tại cửa khẩu đã được giao cho Cục Bảo vệ thực vật. Còn khi trái cây đưa vào nội địa tiêu thụ thì trách nhiệm thuộc Sở NN-PTNT của các địa phương. Riêng tình trạng tư thương, doanh nghiệp nhập khẩu trái cây sau khi đưa qua cửa khẩu nhưng lại thay đổi nhãn mác, dán tem không đúng nguồn gốc nhập khẩu để tiêu thụ thì trách nhiệm thuộc về lực lượng QLTT thuộc Bộ Công thương, xếp vào hành vi gian lận thương mại và xử phạt theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc đảm bảo bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Ông Hào nói: “Từ ngày 1-7, khi các thông tư hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, chắc chắn việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng nông sản nhập khẩu sẽ siết chặt hơn. Đặc biệt, khi Thông tư 13/2011/TT-NNPTNT có hiệu lực thì ngay cả các sản phẩm trái cây nhập khẩu từ các nước phương Tây như New Zealand, Mỹ, Australia, Chile… muốn vào Việt Nam cũng đều phải có chứng nhận về nguồn gốc”

PHÚC HẬU

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, truy xuất nguồn gốc, quản lý hồ sơ, lai lịch của các mặt hàng trái cây cũng như nông sản nhập khẩu nói chung là điều kiện để ràng buộc trách nhiệm của không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản trong nước mà cả trách nhiệm của các đối tác nước ngoài.

Còn ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, khẳng định, bằng việc quy định khai báo nguồn gốc đối với nông sản nhập khẩu, khi có sự cố cơ quan chức năng nước ta có thể truy xuất sang tận cơ sở sản xuất của nước sở tại, yêu cầu khắc phục, nếu không khắc phục được thì không cho phép doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục