Sáng 7-12 (giờ địa phương), cảnh sát Anh đã bắt giữ ông Julian Assange, “cha đẻ” Wikileaks sau khi ông đến trình diện tại một đồn cảnh sát ở London, với cáo buộc quấy rối tình dục và cưỡng bức hai phụ nữ tại Thụy Điển.
Chỉ vài giờ sau, ông Assange đã ra trước tòa án Westminster để dự phiên xét xử về yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển. Trong phiên xét xử, bồi thẩm đoàn từ chối đề nghị của luật sư ông Assange yêu cầu được bảo lãnh tại ngoại. Thẩm phán Howard Riddle tuyên bố ông Assange sẽ bị giam đến ngày 14-12 là ngày xét xử thứ hai.
Theo hãng tin AP, ông Assange hầu như không có phản ứng gì trước quyết định của tòa án. Nếu tòa án Anh ra phán quyết lệnh bắt của Thụy Điển có cơ sở pháp lý, ông Assange sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển. Theo luật pháp Anh, khi tòa án sơ thẩm London ra phán quyết ông Assange sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển, ông sẽ có bảy ngày để kháng cáo. Vụ việc sẽ được chuyển lên Tòa án tối cao Anh.
Bất chấp việc ông Assange bị bắt, ban điều hành Wikileaks tuyên bố trang web này sẽ tiếp tục hoạt động. Ông Assange trước đây từng tuyên bố một khi bị bắt sẽ có 100.000 bức thư tín, hiện ở dạng mã hóa, được tung ra công khai.
Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư của ông Assange tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại việc dẫn độ thân chủ về Thụy Điển. Ông Julian Assange từng lo ngại một khi bị dẫn độ về Thụy Điển sẽ bị giao cho Mỹ và tại Mỹ ông không có cơ hội ra trước một tòa án công bằng.
Mỹ là quốc gia đầu tiên lên tiếng về vụ bắt giữ này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hiện đang có chuyến công du đến Afghanistan tuyên bố ông cảm thấy đó là một tin tức tốt.
Trong khi đó, Wikileaks hiện đang tiếp tục gặp một trở ngại về tài chính nữa khi công ty Visa đã quyết định tạm ngừng cung cấp các dịch vụ tài chính qua thẻ Visa cho Wikileaks. MasterCard cũng đã tạm ngừng các dịch vụ tài chính của Wikileaks. Tại Thụy Sỹ, Wikileaks cho biết ngân hàng PostFinance đã ngừng giao dịch với chủ tài khoản Assange vì “lý do kỹ thuật” sau khi ông Assange khai rằng nhà ông ở Geneva.
Báo Guardian cùng ngày đã công bố những thư tín ngoại giao mới nhất do Wikileaks tung ra cho thấy, Mỹ và NATO từng lên kế hoạch quân sự bảo vệ các nước vùng Baltic khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Vào tháng 1, một bức điện gửi đi từ phái đoàn đại diện Mỹ tại trụ sở NATO nói về việc đô đốc Mỹ James Stavridis, chỉ huy NATO tại châu Âu, đã đề xuất mở rộng kế hoạch quân sự đặc biệt. Kế hoạch ban đầu chỉ bảo vệ Ba Lan, đã được đề nghị mở rộng bao gồm thêm các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây là Estonia, Latvia và Litva.
T.HẰNG - K.MINH
- Thông tin liên quan:
>> Mỹ nỗ lực khắc phục rạn nứt ngoại giao
>> Quyết bắt giữ “cha đẻ” Wikileaks