Nicaragua, một trong những nước nghèo nhất châu Mỹ Latinh vừa có dự án xây dựng kênh đào chi phí 20 tỷ USD. Đây được xem là kênh đào thách thức kênh đào lớn nhất và quan trọng nhất thế giới ở Panama.
Dự án dự kiến được thực hiện trong vòng 10 năm, khi hoàn thành có thể vẽ lại bản đồ thương mại thế giới. Kênh đào mới có thể cắt giảm thời gian ít nhất 1 ngày di chuyển giữa California với New York và cũng rút ngắn đường đi cho các con tàu lớn từ Trung Quốc đến châu Âu.
Cùng lúc, Panama cũng cho biết sẽ nới rộng thêm kênh đào Panama vì e ngại kênh đào tại Nicaragua có thể gây thất thu về tài chính.
Kênh đào Nicaragua sau khi xây dựng xong sẽ cho phép tàu có tải trọng 250.000 tấn qua lại giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương so với kênh đào Panama chỉ cho phép tàu có tải trọng 79.000 tấn, thậm chí sau khi kênh đào Panama mở rộng cũng chỉ cho phép tàu 120.000 tấn qua lại.
Tổng thống Nicaragua Enrique Bolanos cho biết không nên lo ngại hai kênh đào gần nhau sẽ lãng phí vì hiện nay cứ mỗi 100 tàu tới châu Mỹ thì chỉ có 7 tàu qua kênh đào Panama.
Do đó, nếu có thêm kênh đào Nicaragua, lợi ích kinh tế của Trung Mỹ sẽ tăng cao. Tuy nhiên, người phát ngôn đơn vị quản lý kênh đào Panama thì cho rằng kênh đào Panama sau khi mở rộng sẽ dư sức đáp ứng lượng tàu đi qua, nên việc xây dựng thêm một kênh đào mới ở Nicaragua là không cần thiết.
Nicaragua đang kêu gọi các nhà đầu tư của Trung Quốc và Nhật Bản tài trợ thêm cho dự án kênh đào mới. Ý tưởng xây dựng kênh đào Nicaragua thực ra xuất phát từ năm 1849 trong thời kỳ tìm vàng ở California.
Đến năm 1884 Mỹ và Nicaragua đạt được thỏa thuận xây dựng kênh đào. Tới năm 1916 Mỹ trả cho Nicaragua 3 triệu USD để toàn quyền sử dụng kênh đào nhưng đột ngột kế hoạch bị hủy bỏ, Mỹ chuyển hướng sang hợp tác đào kênh với Panama.
Cách đây 10 năm, dự án kênh đào Nicaragua đã được các tập đoàn lớn của châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản tái khởi động. Tuy nhiên, nó gặp phải sự phản đối của nhiều nhà bảo vệ môi trường vì họ cho rằng việc đào kênh sẽ tạo ra thảm họa sinh thái vì nhiều khu rừng bị phá hủy, đe dọa tràn dầu, phá hỏng nhiều rặng san hô và nhiều loài rùa biển quý giá.
Mặc khác, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ khó mà chấp nhận để các nhà đầu tư từ những nước khác kiểm soát một khu vực gần biên giới nước Mỹ như thế.
(Theo The Observer)
VŨ MINH