Cảnh vật thiên nhiên không chỉ để… ngắm

Nhiều người (kể cả các nhà quản lý) vẫn nghĩ rằng, thiên nhiên chỉ là không gian để thư giãn, giải trí, hay “trang trí cho vui mắt” nên khi đưa lên “bàn cân” kinh tế, thiên nhiên bị định giá rẻ và thường phải nhường chỗ cho các dự án xây dựng cao ốc, cơ sở sản xuất…
Phát triển mảng xanh đô thị vừa đảm bảo môi trường sống cho cư dân vừa duy trì sinh cảnh sống cho các loài động - thực vật
Phát triển mảng xanh đô thị vừa đảm bảo môi trường sống cho cư dân vừa duy trì sinh cảnh sống cho các loài động - thực vật
Hệ sinh thái cũng rất “nặng ký”

Các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu để phần nào định giá lại thiên nhiên. Kết quả chỉ ra rằng, sự tồn tại giữa con người và thiên nhiên có mối quan hệ hỗ tương, cùng tồn tại và cùng suy kiệt.

Ngoài vai trò là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, hệ sinh thái còn có chức năng dịch vụ, định hình bằng 4 loại cơ bản.
Thứ nhất, là dịch vụ cung cấp, mang đến những lợi ích trực tiếp cho con người, dễ thấy trong các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực của đất nước; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng. Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, chương trình bảo tồn đã lưu giữ được hơn 14.000 nguồn gen của trên 200 loài cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu, cây dược liệu và một số loài cây trồng khác. Một bộ phận quan trọng của các giống này là nguồn gen bản địa với nhiều đặc tính quý chỉ có ở Việt Nam. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ sinh thái chính là nguồn cung cấp các vật liệu xây dựng, nguồn nhiên liệu, dược liệu; cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản khai thác từ vùng biển ven bờ và đáp ứng gần 40% lượng protein cho người dân. Ngành nghề thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 8 triệu người và phần thu nhập phụ chừng 12 triệu người trong cả nước. Bên cạnh đó, khoảng 25% nguồn gen vi sinh vật phục vụ sản xuất rượu bia và nước giải khát cùng với các ngành công nghiệp khác.
Thứ hai, dịch vụ văn hóa thể hiện ở các hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao, cung cấp giá trị lớn cho ngành giải trí, du lịch; nhất là du lịch sinh thái đang hứa hẹn đem lại nhiều giá trị kinh tế cho các địa phương và cả nước. 

Thứ ba, là dịch vụ điều tiết, gồm điều hòa khí hậu qua sự lưu trữ các-bon và kiểm soát lượng mưa, lọc không khí và nước; phân hủy các chất thải trong môi trường; giảm nhẹ tác hại của thiên tai như lở đất hay bão biển. Chẳng hạn, rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM) có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ đất ven biển và vùng cửa sông, vừa ngăn chặn hiệu quả sự công phá bờ biển của sóng vừa làm vật cản cho trầm tích lắng đọng như giữ hoa lá, cành rụng trên mặt bùn và phân hủy tại chỗ nên bảo vệ được đất.
Thứ tư, là dịch vụ hỗ trợ, tuy không làm lợi trực tiếp cho con người nhưng là yếu tố thiết yếu trong các chức năng của hệ sinh thái; do đó, gián tiếp ảnh hưởng đến tất cả các loại dịch vụ, chẳng hạn như sự hình thành của đất hay quá trình sinh trưởng của thực vật. Cả 2 dịch vụ điều tiết và hỗ trợ tuy cực kỳ quan trọng nhưng thường không được định giá trong thị trường truyền thống.

Bất ngờ với mảng xanh đô thị

Nói đến TPHCM, mọi người hay nghĩ đến những hình ảnh khô cứng của những tòa nhà chọc trời và phương tiện giao thông dày đặc. Thế nhưng, số liệu thống kê, tổng hợp từ các các cơ quan chuyên môn về đa dạng sinh học của thành phố đã khiến nhiều người bất ngờ. TPHCM có 577 loài động vật có xương sống; trong đó, trên 80 loài thú (chiếm 25,6% khu hệ thú của cả nước), 221 loài chim (chiếm 26,3% khu hệ chim cả nước), 55 loài bò sát (17,4% khu hệ bò sát cả nước), 1.028 loài cá nước ngọt (chiếm 9,5% khu hệ cá nước ngọt cả nước) và khu hệ cá nước mặn - lợ chiếm 4,3% khu hệ cá biển của Việt Nam. Trong tổng số này, đã xác định được 95 loài động vật quý hiếm (37 loài thú, 17 loài chim, 10 loài bò sát nằm trong Sách Đỏ thế giới). Ngoài ra còn có 369 loài khu hệ côn trùng, 2.052 loài khu hệ thủy sinh vật. 

Về thực vật, có trên 1.515 loài thuộc 5 ngành bậc cao (chiếm 11% tổng số loài thực vật bậc cao của Việt Nam), trong đó có 38 loài thực vật bậc cao quý hiếm (28 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam và 21 loài trong Sách Đỏ thế giới). 19% trong số loài này có tiềm năng làm dược liệu và 17% làm cây cảnh. Về địa bàn phân bố, 58% số loài thực vật bậc cao được bảo tồn trong Thảo Cầm viên, 27% ghi nhận ở Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi và đáng ngạc nhiên khi có đến 39% số loài hiện diện ở các mảng xanh đô thị. Qua đó cho thấy, việc giữ gìn và phát triển các mảng xanh đô thị không chỉ đảm bảo môi trường trong lành cho cư dân đô thị mà còn duy trì nơi trú ẩn cho các loài động - thực vật. Riêng Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có trên 700 loài thủy sinh không xương sống, 137 loài cá, 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài hữu nhũ, 130 loài chim. Trong đó, 11 loài bò sát có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: tắc kè, kỳ đà nước, trăn gấm, rắn hổ mang, vích, cá sấu hoa cà…

Tuy nhiên, TPHCM cũng được đánh giá là điểm nóng về nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học do tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Thời gian qua, các công trình nhà ở, thương mại - dịch vụ liên tiếp mọc lên đã xóa sổ nhiều sinh cảnh tự nhiên. Các kênh rạch, vùng trũng ngập nước - nơi cư trú của nhiều loài động - thực vật, cũng bị san bằng. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động tiêu cực như đảo nhiệt, ngập lụt triền miên, gió bão, ô nhiễm môi trường… chắc chắn sẽ làm biến đổi nguồn gen, hủy hoại sự sống của nhiều loài động - thực vật hoang dã.

Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ thiên nhiên, phát triển hệ sinh thái đối với đô thị chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như TPHCM, không chỉ có tính chất quyết định đối với sự phát triển kinh tế mà còn vì sự tồn tại vững bền của thành phố.

Tin cùng chuyên mục