Cao Ngọc Phương Trinh tập judo khi lên 10 tuổi và là võ sĩ judo Việt Nam đầu tiên 3 lần liên tục giành ngôi vô địch SEA Games 16, 17, 18 hạng cân 48kg. Hồi tưởng những giây phút vinh quang ngày trước, Phương Trinh vui vẻ kể: “Tôi bước vào đấu trường Đông Nam Á lần đầu tiên tại SEA Games 16 ở Philippines. Thú thật, lúc chưa vào cuộc, tôi chưa dám mơ đến chiếc HCV mà chỉ mong có được HCĐ cũng vui lắm rồi. Không ngờ, tôi lần lượt vượt qua các võ sĩ Singapore, Malaysia, Indonesia để tranh chung kết cùng võ sĩ Thái Lan. Giành điểm koka lúc gần hết hiệp, dù rất mệt nhưng tôi lên tinh thần và liên tục tấn công. Khi trận đấu kết thúc, tôi mừng vô hạn… Rời thảm đấu, tôi khóc nức nở trong vòng tay thân thương của thầy và đồng đội… Thật khó lòng diễn tả lại cảm xúc lúc bấy giờ và ấn tượng đó vẫn sống mãi trong lòng tôi”.
Do bị chấn thương nên Phương Trinh không thể tham dự SEA Games 19-1997 và chuyển sang làm HLV chương trình mục tiêu quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 22. Năm 2001 - 2002, cô là HLV trưởng đội tuyển TPHCM và thành viên ban huấn luyện đội dự tuyển quốc gia rồi sau đó làm Trưởng bộ môn judo của Sở TDTT TPHCM. Năm 2006, Phương Trinh chuyển công tác về Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Phương Trinh cũng đang là Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Judo Việt Nam (nhiệm kỳ 3) và đến tháng 9 này, cô sẽ bảo vệ tiểu luận thạc sĩ tại Trường Đại học TDTT TPHCM.
Không nặng gánh gia đình, ngày ngày Phương Trinh vẫn đang miệt mài ươm những mầm xanh. Trao đổi về cuộc sống hiện nay của mình, Phương Trinh thổ lộ: “Hết lớp này tới lớp khác, công việc cứ cuốn hút lấy tôi nên cả tuần chỉ được nghỉ ngơi ngày thứ ba. Chính sự hồn nhiên, vui tươi và hăng say tập luyện của các em đã giúp tôi vẫn giữ được lửa đam mê và quên cả mệt mỏi …”. Phương Trinh cũng bày tỏ vui mừng khi võ sĩ đàn em Văn Ngọc Tú vừa đoạt chiếc HCĐ tại giải vô địch judo châu Á vừa kết thúc cách đây vài hôm.
Về bí quyết thành công trong thi đấu, Phương Trinh cho biết: “Văn ôn võ luyện, muốn thi đấu thành công phải chấp nhận hy sinh, dành nhiều thời gian và nỗ lực tập luyện. Mỗi trận đấu tập đều phải xem như một trận đấu thực sự để rút kinh nghiệm. Khi vào thảm đấu, cần tự tin nhưng không chủ quan và quyết đoán lúc tung đòn. Võ sĩ cũng cần chăm chút từ sức khỏe, võ phục đến cả chiếc dây đai… vì muốn thành công, mình cần dâng cả trái tim khi tập luyện và thi đấu”.
THIỆN TÂM