Ngày 6-2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gửi tất cả các tỉnh và thành phố trong cả nước về việc triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm đang quay trở lại và có diễn biến nguy hiểm, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Từ đầu tháng 1-2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 4 xã của 4 huyện thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng làm 1.683 con gia cầm bị mắc bệnh, chết làm tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy để đảm bảo an toàn dịch bệnh khỏi lây lan là 4.032 con (trong đó chủ yếu là dịch phát sinh trên đàn vịt, còn lại là gà).
Ngoài ra, một số địa phương như Thái Nguyên, Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hà Nội có gia cầm bị mắc bệnh, chết nghi do mắc dịch cúm gia cầm. Nguy hiểm hơn là theo thông tin của Bộ Y tế, trong tháng 1-2012 đã có hai trường hợp bệnh nhân ở Kiên Giang và Sóc Trăng tử vong do nhiễm cúm A/H5N1.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch cúm gia cầm và điều kiện thời tiết không thuận lợi, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng cao, trong khi nhiều địa phương ở miền Bắc thì vẫn chưa có vaccine phù hợp, virus gây cúm gia cầm hiện đã biến tính, kháng vaccine... nên Bộ NN-PTNT nhận định sẽ có một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới trên diện rộng.
Để dập tắt các ổ dịch hiện nay, hạn chế tới mức thấp nhất phát sinh các ổ dịch và ngăn ngừa dịch lây lan rộng tại các địa phương khác, bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định sản xuất, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống thú y địa phương phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể của địa phương tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời.
Còn theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, khó khăn hiện nay là loại vaccine để tiêm phòng cúm gia cầm nhập từ Trung Quốc về không còn hiệu lực đối với chủng virus cúm gia cầm ở khu vực miền Bắc nữa. Do đó, hiện Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cần khẩn trương tìm loại vaccine thay thế, phù hợp để ngăn chặn virus cúm gia cầm biến tính.
Ngày 6-2, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng thông tin, trong những ngày qua có thêm hàng trăm con gia cầm ở địa phương này chết rải rác tại các xã Tham Đôn, Ngọc Tố, Ngọc Đông thuộc huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Bác sĩ Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không nên ăn thịt gia cầm chết. Khi gia cầm chết, người chăn nuôi, tiếp xúc với gia cầm có nguy cơ bị lây nhiễm, việc sớm đến cơ sở y tế khám để phát hiện ngay bệnh cũng rất quan trọng.
Câu chuyện ăn gia cầm bệnh chết đã được cảnh báo về những nguy hiểm lâu nay nhưng đến nay lại tái diễn. Một bộ phận người dân vẫn còn lơ là và địa phương cũng chưa làm hết sức để nhanh chóng ghi nhận các điểm gia cầm chết kèm theo cảnh báo nhất định. Trong khi ngành thú y chịu “bó tay” trước thực trạng người chăn nuôi nhỏ lẻ ĐBSCL vẫn nuôi xen gia cầm chung trong nhà thì nhiều người trông đợi vào việc tiêm vaccine phòng chống cúm gia cầm sẽ tạo ra “tuyến phòng thủ tốt”.
Thực tế, khi phát hiện dịch cúm trên đàn gia cầm, nhiều địa phương mới té ngửa: gia cầm mắc bệnh là do tiêm vaccine “sót”.
Thật ra, trước Tết Nguyên đán ở Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã phát hiện một ổ cúm gia cầm trên đàn gà 450 con. Thực tế, đã có cán bộ chi cục thú y “tỏ ra khó chịu” khi lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương yêu cầu công bố dịch khi phát hiện cúm gia cầm dù chỉ phát hiện ở một hoặc hai điểm. Ít nhiều quan điểm “ém thông tin” dịch cúm gia cầm để giữ “thành tích thi đua” hoặc chủ quan vẫn còn loáng thoáng trong ngành thú y ở ĐBSCL.
Ngày 6-2, Cục Thú y đã chuyển gấp cho Quảng Trị 1 triệu liều vaccine, 1,5 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng để đối phó với dịch cúm H5N1 đang diễn biến phức tạp tại tỉnh này.
Nhóm PV