Cấp mã số vùng trồng tại Quảng Ngãi: Cần duy trì, thiết lập để mở cửa cho nông sản xuất ngoại

Tỉnh Quảng Ngãi có 3 cây trồng là chuối, dưa hấu và ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định, yêu cầu đóng gói ở những vùng trồng và cơ sở đóng gói đã cấp mã số mới được phép xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thiết lập các vùng trồng để cấp mã số tại Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… yêu cầu trái cây tươi và một số nông sản khác của Việt Nam phải trồng và đóng gói ở những vùng trồng và cơ sở đóng gói đã cấp mã số thì mới được phép xuất khẩu sang thị trường các nước này, nhằm mục đích theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Theo báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi có 3 cây trồng là chuối, dưa hấu và ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định này.

Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 41 mã số vùng trồng chuối và dưa hấu (2 mã số vùng trồng chuối và 39 mã số vùng trồng dưa hấu) xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế người trồng chuối và dưa hấu ở 41 vùng trồng chưa nắm và thực hiện các quy định của nước nhập khẩu trong quá trình sản xuất. Phía Trung Quốc đã phát hiện một số lô quả tươi của Việt Nam không đáp ứng tiêu chuẩn đưa ra, do vậy, Trung Quốc tăng cường kiểm tra giám sát mã số vùng trồng. Nếu 3 cây trồng dưa hấu, chuối và ớt của Quảng Ngãi không thực hiện thiếp lập, đăng ký, duy trì mã số vùng trồng và đóng gói ở những cơ sở đóng gói đã được cấp mã số thì không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, cây ớt chưa được thiết lập, đăng ký mã số vùng trồng.

Cấp mã số vùng trồng tại Quảng Ngãi: Cần duy trì, thiết lập để mở cửa cho nông sản xuất ngoại ảnh 1 Đến thời điểm này, cây ớt vẫn chưa được thiết lập, cấp mã số vùng trồng vì các địa phương đăng ký muộn nên phải chờ qua vụ sau mới tiến hành. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật ban hành tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng. Năm 2022, theo báo cáo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, sau khi tiến hành rà soát lại 41 vùng trồng đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số thì có 21 vùng (2 vùng trồng chuối, 19 vùng trồng dưa hấu tại huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn và thị xã Đức Phổ) đã chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, không duy trì vùng trồng, còn lại 20 vùng trồng dưa hấu đang được trồng nhưng chưa có tổ chức, cá nhân nào tiến hành làm thủ tục duy trì mã số vùng trồng, nếu không làm các thủ tục duy trì thì khả năng sẽ bị thu hồi mã số.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Nông dân lý giải về việc không duy trì các vùng trồng phải chuyển đổi cây trồng là xưa nay họ sản xuất theo tập quán cũ, khi trồng theo tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng rất khó duy trì. Hơn nữa, các vùng trồng dưa hấu ngoài dân địa phương còn có dân từ các nơi khác canh tác theo hình thức du canh, mang tính thời vụ nên các vùng trồng không duy trì được”.

Theo đó, tiêu chuẩn vùng trồng để cấp mã số là diện tích vùng trồng tối thiểu 10ha, trong đó, diện tích canh tác trên hộ dân rất thấp, để thiết lập một vùng trồng cần từ 50-100 nông dân đồng thuận tham gia, ngoài ra các quy định về quy trình quản lý, kiểm soát sinh vật gây hại, thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện canh tác, ghi chép thông tin… và trước mỗi vụ thu hoạch phải đăng ký mã số vùng trồng lại nếu không sẽ không thể xuất khẩu.

Cấp mã số vùng trồng tại Quảng Ngãi: Cần duy trì, thiết lập để mở cửa cho nông sản xuất ngoại ảnh 2 Nông dân trồng dưa hấu không cố định trên diện tích đất hoặc do nông dân ở vùng khác đến thuê đất để sản xuất trong vài vụ nên rất khó để duy trì mã số vùng trồng đã cấp. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Vĩnh cho biết: “Một nguyên nhân nữa khiến nông dân không mặn mà mã số vùng trồng là tỉnh Quảng Ngãi đang xảy ra tình trạng vùng trồng không đăng ký mã số nhưng thương lái mượn mã số vùng trồng đã đăng ký để xuất bán đi. Nông dân thấy các vùng trồng không đăng ký cũng có giá bán tương đương giá bán tại vùng đã đăng ký, nên nông dân không mặn mà tuân thủ tiêu chuẩn vùng trồng, lợi ích việc này”. Tình trạng này là hiện tượng sử dụng sai mã số và sử dụng mã số của vùng khác để xuất khẩu nông sản.

Ông Vĩnh cho biết: “Do vậy, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, báo lên Chi cục về thời gian trồng, thu hoạch, đăng ký lại mã số vùng trồng để Chi cục báo về Cục Bảo vệ thực vật biết vùng đó đang trồng hay không và thực hiện giám sát”.

Vấn đề cấp thiết tỉnh Quảng Ngãi là cần thiết lập những vùng trồng mới đủ tiêu chuẩn, duy trì những vùng trồng đã đăng ký. Ông Vĩnh nói: “Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT tỉnh lập kế hoạch, thiết lập, giám sát mã số vùng trồng. Do vậy trước mắt cần phải tập huấn, tuyên truyền để nông dân hiểu biết thế nào là vùng trồng, mã số vùng trồng là gì, quy định để xuất khẩu nông sản sang các nước và duy trì các vùng trồng đã đăng ký mã số trước đó”.

Hiện nay các địa phương đang tiến hành đăng ký mã số vùng trồng mới, trong đó có cây ớt như tại huyện Trà Bồng có 1 vùng trồng cho cây ớt với diện tích 10ha, huyện Tư Nghĩa có 1 vùng trồng ớt diện tích 20ha, thành phố Quảng Ngãi có 1 vùng trồng cây ớt diện tích 12ha,… và đối với các vùng trồng không tiếp tục, không đăng ký tiếp tục sẽ đề nghị thu hồi mã số.

Tin cùng chuyên mục