Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17/2005/CT-TTg về việc ngưng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke để kịp thời chấn chỉnh, quy hoạch lại các loại hình kinh doanh này.
Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2009/NĐ-CP, kể từ ngày 1-1-2010, các tỉnh, thành được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke. Đây là một tin vui đối với các nhà kinh doanh loại hình văn hóa này. Thế nhưng, hơn 1 năm trôi qua, đến nay, TPHCM vẫn chưa thể tiến hành cấp mới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi có Chỉ thị 17/2005/CT-TTg của Thủ tướng, TPHCM đã chủ động quy hoạch lại loại hình kinh doanh nhạy cảm trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2006-2010. Nhưng sau khi quy hoạch, đề án này bị “treo” đến hết năm 2010 vẫn chưa được phê duyệt và sang năm 2011 xem như “lỗi thời”, tất cả phải làm lại từ đầu. Có nghĩa là, ngành văn hóa phải tiếp tục rà soát lại, quy hoạch lại, rồi mới trình UBND TPHCM xem xét, phê duyệt. Cho nên việc xin cấp mới lại phải tiếp tục chờ, chưa biết đến khi nào?
Tuy nhiên, theo một số cán bộ văn hóa, việc chậm cấp mới dễ dẫn đến nhiều hệ lụy, sau này khó quản lý cho ngành. Bởi thời gian qua, một số cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh karaoke có lẽ đã “lách luật” bằng cách xin cấp phép phòng thu âm, sau đó lại tổ chức kinh doanh… karaoke.
Trong khi đó, điều kiện mở phòng thu âm khá dễ dàng. Với cá nhân, nếu mở phòng thu âm thì chỉ cần đến phòng kinh tế quận, huyện đăng ký, xin cấp phép. Còn doanh nghiệp thì mới phải đến Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Với cách “lách luật” như thế này, một số người cho rằng, việc tổ chức karaoke khá thoải mái, không phải tuân thủ những quy định: điểm kinh doanh karaoke phải cách trường học, nơi tôn nghiêm… từ 200m trở lên hoặc phòng karaoke phải rộng 20m²…
ĐỖ HẠNH