Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI có nêu: “Chú ý nhiều hơn công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực của bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, hiện đại hóa một số bệnh viện đầu ngành. Tăng đầu tư nhà nước đồng thời với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế. Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám chữa bệnh…”. Đứng trên vai trò của một người làm công tác quản lý ngành y tế ở TPHCM, tôi có một số ý kiến góp ý cùng dự thảo.
Trong những năm qua, ngành y tế đã nỗ lực hết mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đã có nhiều thành tựu trong điều trị khám chữa bệnh, dự phòng, cung ứng như khống chế dịch bệnh, nỗ lực kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới chính sách bảo hiểm y tế tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, ngành y tế cũng còn rất nhiều tồn tại cần được khắc phục. Ví dụ như tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên hiện nay rất căng thẳng và có chiều hướng diễn biến xấu hơn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám chữa bệnh. Nguyên nhân không chỉ do dân số cơ học tăng nhanh, mà chủ yếu là do quy hoạch, phát triển, sắp xếp mạng lưới y tế, đặc biệt là tuyến y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như còn nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách.
Chủ trương xã hội hóa được thực hiện dưới nhiều hình thức (phòng khám, bệnh viện tư nhân và dịch vụ trong các bệnh viện công) nhưng chưa được quản lý giám sát đồng bộ và theo quy hoạch chung, còn rất nhiều vấn đề về công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ y tế… Do đó, các giải pháp và chỉ tiêu cần tập trung vào quy hoạch mạng lưới y tế, từ đó xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên cho từng giai đoạn, đặc biệt cần củng cố và phát triển mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở. Cần xây dựng hoàn chỉnh chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm công bằng trong hưởng thụ dịch vụ y tế bằng các chính sách đầu tư, thuế, kiểm soát giá phù hợp. Ngoài ra, phải bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về tổng mức đầu tư cho y tế, các chỉ tiêu về y tế dự phòng, điều trị khám chữa bệnh, chi tiêu cho thuốc, đầu tư cho trang thiết bị…
Để thực hiện nhiệm vụ mà dự thảo báo cáo chính trị đã đề ra, ngành y tế đang đứng trước thách thức to lớn về vấn đề nhân lực: đào tạo sao cho đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; sử dụng sao cho hợp lý, có sự điều tiết trong ngành để bảo đảm phát triển đồng bộ và toàn diện tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực cả về trình độ chuyên môn và quản lý. Tôi rất băn khoăn trước thực trạng nguồn nhân lực y tế được đào tạo nhưng không thực hành đúng nghề, dẫn đến mai một và lãng phí như dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp ra trường làm trình dược viên thay vì làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, phòng kiểm nghiệm. Cần phải điều chỉnh cơ chế chính sách để thực sự thu hút và trọng dụng nhân tài, tôn trọng trí thức, phát huy tính năng động sáng tạo, chú trọng đánh giá cán bộ theo hiệu quả công việc và nhiệt tình công tác.
Đúng là có một số cán bộ y tế không có đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành nhưng cũng phải xem xét hướng ngược lại: ngành y tế đã tạo môi trường thuận lợi cho nhân viên của mình trau dồi, thể hiện y đức và phát huy nghề nghiệp hay chưa? Các cơ sở y tế rất cần được giao quyền chủ động hơn nữa trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển và thải hồi để thật sự chọn lọc được một đội ngũ nhân sự chất lượng và hiệu quả.
PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN (Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM)