Cấp thiết tu sửa Đình Chí Hòa

UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo chấp thuận cho Sở Xây dựng, giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 10 làm chủ đầu tư dự toán thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình Đình Quốc gia Chí Hòa (quận 10).
Cấp thiết tu sửa Đình Chí Hòa

(SGGPO).- UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo chấp thuận cho Sở Xây dựng, giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 10 làm chủ đầu tư dự toán thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình Đình Quốc gia Chí Hòa (quận 10).

Đồng thời sẽ giao Sở Văn hóa và Thể thao căn cứ kết quả thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và các quy định khác có liên quan thực hiện thẩm định, trình UBND TP phê duyệt Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật công trình tu sửa cấp thiết di tích quốc gia Đình Chí Hòa.

Đình Chí Hòa được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích Quốc gia vào năm 1996

Đình Chí Hòa toạ lạc tại số 475/77 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, trước kia có tên gọi là Đình Hòa Hưng, theo tập quán lấy tên làng đặt tên đình.

Đình xây trên nền cao 5 tấc, lợp ngói âm dương, đầu đao đính đuôi rồng, trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm xanh quý hiếm.

Đình Chí Hòa có những hoạt động đáng ghi nhớ như phong trào yêu nước tự phát xảy ra vào năm 1915 - 1917 tại đình gọi là Thiên - Địa Hội. Một nhóm thanh niên khu Hòa Hưng hưởng ứng chống thực dân Pháp. Họ sử dụng Đình Chí Hòa, biến nơi đây làm điểm tập hợp luyện tập võ thuật, rồi dùng chánh điện làm nơi ăn thề, kêu gọi thần chứng giám. Sự kiện này xảy ra trong thời gian ngắn bởi bọn tề làng hay tin tìm vây bắt một số hội viên.

Mãi đến năm 1945, Đình Chí Hòa lại sôi động do phong trào Thanh niên Tiền phong nổi lên rầm rộ khắp nơi. Ngày 25-8-1945, các thanh niên kéo đến tụ tập tại đình, dùng giáo mác, gậy gộc xông ra đường chặn đánh giặc Pháp và tay sai. Ngoài ra tại đình, dưới bệ sân khấu có hầm bí mật được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng trong một thời gian.

Đình Chí Hòa tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 16 và 17 tháng Hai âm lịch hàng năm. Là một đình cổ, mọi nghi thức cúng bái được thực hiện nghiêm túc nên trong ngày đại lễ, khách thập phương kéo đến cúng bái như trẩy hội. Đình được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận theo quyết định số 1460 - QĐ/VH ký ngày 28-6-1996.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục