Cầu Bình Lợi bị va đập: Lời cảnh báo thành... sự thật!

Thời gian qua, tại cầu đường sắt Bình Lợi đã xảy ra nhiều vụ phương tiện thủy (sà lan) ùn tắc tại khu vực thượng, hạ lưu cầu. Một số trường hợp phương tiện thủy mắc kẹt ngay dưới gầm cầu gây nguy hiểm đến cầu, làm đình trệ hoạt động giao thông đường sắt, đường bộ (trên cầu) và đường thủy. Đã có cảnh báo cầu đường sắt Bình Lợi sẽ bị phương tiện thủy va đập gây hư hỏng. Thế nhưng...
Cầu Bình Lợi bị va đập: Lời cảnh báo thành... sự thật!

Thời gian qua, tại cầu đường sắt Bình Lợi đã xảy ra nhiều vụ phương tiện thủy (sà lan) ùn tắc tại khu vực thượng, hạ lưu cầu. Một số trường hợp phương tiện thủy mắc kẹt ngay dưới gầm cầu gây nguy hiểm đến cầu, làm đình trệ hoạt động giao thông đường sắt, đường bộ (trên cầu) và đường thủy. Đã có cảnh báo cầu đường sắt Bình Lợi sẽ bị phương tiện thủy va đập gây hư hỏng. Thế nhưng...

Lúc 11 giờ 30 ngày 28-11, một sà lan lưu thông trên sông Sài Gòn hướng từ Sài Gòn về Bình Dương va vào dầm cầu đường sắt Bình Lợi (Km1719+089) tại vị trí nhịp 3 khiến gối cầu bị dịch chuyển 5cm. Sà lan sau khi bị va chạm đã thoát qua gầm cầu Bình Lợi và bỏ chạy về hướng Bình Dương.

Sau khi sự cố xảy ra, nhân viên trực cầu báo Công ty Đường sắt Sài Gòn để ngăn các đoàn tàu qua cầu và phối hợp với cảnh sát giao thông đường thủy truy tìm chiếc sà lan gây tai nạn. Theo nguồn tin của cán bộ trực cầu, cảnh sát đường thủy đã chặn bắt và lập biên bản đối với chiếc sà lan mang số hiệu VL 1349, tải trọng 872 tấn. Sự cố này đã làm tắc nghẽn việc vận chuyển hành khách của các chuyến tàu Bắc Nam.

Đây không phải sự cố bất ngờ, bởi lẽ, đã từ hơn 2 tháng qua, cầu Bình Lợi luôn phập phồng trong nỗi lo bị va chạm bất cứ lúc nào do các loại tàu thuyền, sà lan lưu thông qua đây. Tuy nhiên, lời cảnh cáo nguy cơ gây sự cố cho cầu vẫn bị coi thường và thực tế đã xảy ra…

  • Lưu thông, dừng đậu vô tội vạ

Bảo đảm an toàn cho cầu Bình Lợi là việc rất đáng quan tâm do độ tĩnh không của cầu thấp. Khi triều cường, các tàu thuyền, sà lan qua lại rất khó khăn, nguy hiểm. Đợt triều cường cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, tại khu vực cầu Bình Lợi (giáp ranh giữa quận Thủ Đức và Bình Thạnh), tình trạng sà lan liên tiếp bị mắc kẹt giữa cầu đã gây ra ùn tắc kéo dài.

Triều cường lên, độ tĩnh không rất thấp nhưng các sà lan vẫn đi qua, gây nguy hiểm cho cầu. Ảnh: C.THĂNG

Triều cường lên, độ tĩnh không rất thấp nhưng các sà lan vẫn đi qua, gây nguy hiểm cho cầu. Ảnh: C.THĂNG

Có mặt tại khu vực cầu Bình Lợi trong những ngày qua, chúng tôi nhận thấy khoảng cách từ mặt nước sông lên đến gầm cầu chỉ khoảng 1,5m, nhưng ở phía thượng và hạ lưu cầu có gần chục sà lan trọng tải hàng chục tấn với chiều cao hơn 2m vẫn ngang nhiên lưu thông qua cầu. Do độ tĩnh không cầu quá thấp nên các sà lan khi lưu thông đến khu vực giữa cầu đã bị vướng lại làm cho cầu rung lên bần bật khiến nhiều người dân đi lại trên cầu phải giật mình, lo sợ cầu sập. Không ít sà lan khi lưu thông đến giữa cầu bị mắc kẹt và phải bơm nước vào khoang nhằm hạ thấp độ cao phương tiện để qua cầu.

Ngoài việc không tuân thủ quy định về việc điều khiển phương tiện thủy qua khoang thông thuyền cầu sắt Bình Lợi, hiện nay tại khu vực này tình trạng neo đậu phương tiện vô tội vạ diễn ra thường xuyên, đã làm sạt lở bờ sông và nguy cơ va đập phương tiện vào thành cầu. Thế nhưng, trong những ngày triều cường dâng cao, tại khu vực này chỉ thấy một chiếc ca nô của lực lượng cảnh sát giao thông thủy và đơn vị quản lý đường thủy nội địa tuần hành trên sông hướng dẫn ở khu vực gần cầu.

Trong khi đó, ở khu vực cách xa cầu lại không có lực lượng chốt chặn, điều tiết và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu nên tất cả các phương tiện cứ thế lưu thông về phía gần cầu mới chịu neo đậu.

  • Chưa có biện pháp kiểm soát lưu thông

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Vũ Văn Tâm, Giám đốc Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 10 (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết, để đảm bảo vấn đề an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng như bảo vệ an toàn cho cầu Bình Lợi, trước thời điểm các đợt triều cường mới xuất hiện hàng tháng, chúng tôi có văn bản thông báo về việc điều khiển phương tiện thủy qua khoang thông thuyền cầu sắt Bình Lợi gửi các cơ quan báo đài và địa phương thông báo rộng rãi để các chủ sà lan biết và chấp hành quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa khi lưu thông qua khu vực cầu Bình Lợi.

Theo đó, người điều khiển phương tiện khi lưu thông qua khu vực cầu Bình Lợi phải tuyệt đối chấp hành quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa và hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông; chỉ lưu thông qua khoang thông thuyền khi xét thấy đủ điều kiện an toàn.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông thủy trên sông Sài Gòn, an toàn cho cầu sắt Bình Lợi nhằm phục vụ cho tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam, mới đây, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt triển khai công tác điều tiết giao thông thủy tại cầu đường sắt Bình Lợi, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông thủy, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho cầu.

Tuy nhiên, với những gì đang xảy ra ở cầu Bình Lợi, cho thấy cây cầu này đang báo động về sự an toàn. Do đó, hơn lúc nào hết các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc lưu thông của các phương tiện thủy khi qua cầu, nhất là trong những ngày triều cường dâng cao. Mặt khác, cần sớm có dự án đầu tư nâng cấp và xây mới cầu.

Cầu đường sắt Bình Lợi (bắc qua sông Sài Gòn) được xây dựng từ thời Pháp thuộc có tĩnh không thông thuyền 1,8m, với chiều dài khoảng 800m. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa, cầu có một nhịp quay (do Hãng Lavelois Perret thi công). Hiện nay, cầu đường sắt Bình Lợi lưu thông chính cho tuyến đường sắt Việt Nam và một đường phụ lưu thông xe 2 bánh, 2 chiều.

ĐÌNH LÝ

- Thông tin liên quan:

>> Sà lan va vào cầu Bình Lợi, tuyến đường sắt Bắc Nam tê liệt nhiều giờ liền

Tin cùng chuyên mục