Những câu chuyện về bóng đá Việt Nam năm 2005

Câu chuyện thứ ba: Nhiệm kỳ đổi... đời

Năm 2005, LĐBĐVN tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 5, một kỳ Đại hội được tổ chức sớm cho dù không gọi là Đại hội bất thường đi nữa thì giới quan sát vẫn nhận định Đại hội 5 được tiến hành vì …phải tiến hành thay đổi một cơ chế cũ kỹ và chật hẹp của VFF.

Nhiệm kỳ 4 làm được rất nhiều việc nhưng bộ sậu lãnh đạo cũ đành phải ra đi không kèn không trống sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại Tiger Cup cũng như vụ Letard. Tổng thư ký đương nhiệm Phạm Ngọc Viễn phải từ chức. Người được đề cử thay thế Phan Anh Tú cũng đã không thể thắng cử trước một Tổng thư ký trẻ tuổi nhất lịch sử bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn.

Câu chuyện thứ ba: Nhiệm kỳ đổi... đời ảnh 1

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn thăm hỏi đội trưởng Tài Em tại SEA Games 23. Ảnh: Hoàng Vy

Nhiệm kỳ 5 được đánh giá là nhiệm kỳ của đổi mới. Một số thay đổi trong điều lệ đã tạo điều kiện tập trung quyền lực hơn cho Chủ tịch. Chủ tịch VFF sau một nhiệm kỳ nằm ngoài giới thể thao thì ở nhiệm kỳ 5, thuộc về một Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT. Sau khi có kết quả của Đại hội về một Ban lãnh đạo mới, ai cũng tin tưởng.

Mục tiêu của nhiệm kỳ 5 qui vào 3 mối quan tâm chính: Xóa bỏ tiêu cực trong bóng đá, đẩy mạnh bóng đá chuyên nghiệp và thay đổi cách điều hành của VFF nhằm tạo ra một liên đoàn vững mạnh hơn.

  • Khó khăn ngay từ đầu

Với 3 mối quan tâm đó, nhiệm kỳ 5 đã bắt đầu một cách hứng khởi với chuyên án chống tiêu cực phối hợp cùng Bộ công an. Bắt đầu từ vụ án của trọng tài Lương Trung Việt, cơ quan điều tra đã đưa ra ánh sáng hàng loạt trọng tài cùng các quan chức CLB có liên quan.

Sự thành công của chuyên án cũng là thời điểm bắt đầu cho quá nhiều sự mất mát của bóng đá Việt Nam. Hàng chục trọng tài giỏi có liên quan. Hai cựu thành viên trong các BHL của đội tuyển Việt Nam đồng thời là Giám đốc điều hành và HLV trưởng đội NHĐÁ bị bắt tạm giam. Chuyên án chống tiêu cực đã khởi đi và được tiến hành điều tra một cách quyết liệt. VFF không còn có khả năng kiểm soát tốc độ của vụ án và rõ ràng, cả nền bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những tiêu cực trong bóng đá Việt Nam ngoài việc làm mất đi những cá nhân được xem là xuất sắc, đồng thời cũng đã làm suy giảm uy tín của bóng đá Việt Nam. Các nhà tài trợ thay nhau rút lui hoặc không còn mặn mà gì nữa với bóng đá. V-League chỉ còn 13 đội và phải lùi thời gian khai diễn. Cho đến thời điểm này vẫn chưa thể gút được tên tuổi nhà tài trợ.

Trong chuyên án chống tiêu cực ấy, đau đớn thay, đã có 4 tuyển thủ quốc gia U-23 tại SEA Games 23 nhúng chàm. Khi nhiệm kỳ 5 bắt đầu, người ta đã kỳ vọng chiếc huy chương vàng SEA Games sẽ là khởi đầu đẹp cho nhiệm kỳ được chờ đợi này cũng như sẽ khỏa lấp bởt nổi đau từ vụ tiêu cực trọng tài.

Thế nhưng, mức độ nghiêm trọng của vụ án mua bán độ tại SEA Games như một con lũ nguồn dữ dằn, cuốn phăng đi tất cả. Một trong những hậu quả của vụ án này chính là việc Phó chủ tịch chuyên môn Lê Thế Thọ phải từ chức. Ông Thọ trở lại với VFF sau khi thất bại ở nhiệm kỳ 4. Tiếc là sự trở lại của ông quá ngắn ngủi sau một SEA Games nhiều bão tố.

Vậy là có thể tạm kết luận, 5 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ 5 vừa thành công và vừa thất bại. Thành công là mục tiêu chống tiêu cực triệt để đang được cơ quan công an tiến hành mạnh mẽ, đúng hướng. Thất bại đó chính là người ta không biết liệu sau khi hoàn thành chuyên án chống tiêu cực, nhiệm kỳ 5 còn can đảm để tiếp tục những mục tiêu khác của mình.

  • Khó khăn tiếp theo

Kết thúc năm 2005, chuyên án chống tiêu cực vẫn chưa dừng lại. Sau khi lật lại những nghi ngờ trong khuôn khổ các đội tuyển quốc gia, nhiều khả năng cơ quan điều tra sẽ tiến hành thêm những chuyên án khác lớn hơn. Rõ ràng, nhiệm kỳ 5 của VFF sẽ phải chống đỡ một đợt mất mát mới do tiêu cực được khám phá.

Việc điều hành các giải đấu quốc nội trong năm 2006 sẽ là thách thức kế tiếp. Năm 2006, các đội tuyển quốc gia đều không có những giải đấu chính thức để thi đấu vì vậy, mối quan tâm của dư luận tập trung vào V-League, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Giới quan sát cho rằng, chuyên án tiêu cực của cơ quan công an thật ra vẫn chưa đụng đến các CLB và những giải đấu trong năm 2006 sẽ là cơ hội để chuyên án tiến hành rốt ráo và có cơ sở hơn.

Thế nên, VFF chắc chắn bận túi bụi và cũng phải chuẩn bị phương án đối phó với nhiều những thay đổi mà họ không liệu định được. 

Hồ Việt

Tin, bài liên quan:

Câu chuyện thứ hai: Những cái tên biến mất

Câu chuyện thứ nhất: Sự xuất hiện của một cái tên

Tin cùng chuyên mục