Mà công tác vận động đâu chỉ riêng của cán bộ mặt trận và đoàn thể. Từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ trong tổ chức ra ngoài cuộc sống, ai mà không có lần tham gia vận động một đối tượng nào đó, vì một mục đích nào đó.
Thì đó, giải phóng mặt bằng để đầu tư thì phải đi vận động. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong người dân thì cũng phải vận động. Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh cũng phải vận động. Kêu gọi người dân vào các mô hình kinh tế tập thể, lại phải vận động. Muốn tập hợp quần chúng vào các tổ chức càng phải vận động, thuyết phục. Nói chung là, vận động có mặt mọi lúc, mọi nơi trong các hoạt động của hệ thống chính trị và cả ngoài xã hội.
“Vận động”, mặt nào đó đồng nghĩa với “thuyết phục”, mà “thuyết phục” là cả một kỹ năng, thậm chí được xem là một nghệ thuật. Người ta cho rằng, bên cạnh “kiến thức, thái độ” thì “kỹ năng” có vai trò quyết định cho sự thành công của một người nào đó, một cán bộ nào đó. Các trường đào tạo cán bộ của ta thường chỉ quan tâm đến cung cấp kiến thức, mà thiếu quan tâm đến huấn luyện kỹ năng, hoặc người huấn luyện kỹ năng lại không có nhiều kỹ năng, trải nghiệm thực tế để truyền đạt cho thuyết phục. Đó chính là một lỗ hổng lớn, một sự thật trớ trêu!
Vận động là một quá trình tương tác và thuyết phục để đi đến sự đồng thuận. Muốn vậy, người đi vận động phải được trang bị kỹ năng thương thuyết, thuyết phục, giao tiếp, ứng xử. Đó là quá trình tương tác giữa người vận động và người được vận động, kết nối giữa hai chủ thể này là hình thức, nội dung vận động và kỹ năng chính là làm cho quá trình tương tác đó thành công. Đôi khi mục tiêu vận động là đúng rồi, nội dung vận động là xác đáng rồi, nhưng người vận động chưa chuẩn bị kỹ cho mình tâm thế và kỹ năng thì sẽ không thành công.
Người đi vận động phải hiểu giá trị, mục tiêu của vận động nhằm đạt được điều gì, tại sao phải như vậy, phải tìm hiểu thật kỹ nội dung cần vận động, đôi khi, tự phản biện chính những nội dung đó để củng cố cho mình một niềm tin thật sự vào mục đích cuộc vận động. Không đơn giản hoặc bị gò ép theo kiểu “lãnh đạo chỉ đạo vận động thì đi vận động”, là “a thần phù mà đi vận động”. Muốn vận động thì phải hiểu rõ đối tượng được vận động là ai, năng lực nhận thức, trình độ văn hóa, đặc điểm tâm lý, nghề nghiệp, sở thích, điều kiện kinh tế, vị trí xã hội... của từng người như thế nào? Cần nhớ rằng, trong một đám đông, mỗi người mỗi khác, không phải ai cũng như ai. Nói cách khác, phải “đọc” được suy nghĩ của họ, “nói” bằng ngôn ngữ của họ. Phải cảm nhận được những phản ứng đôi khi còn nằm trong suy nghĩ của đối tượng vận động. Phải phán đoán xem họ đã đồng thuận, không đồng thuận hay còn băn khoăn điều gì sau khi được vận động?
Không thể vận động một chiều mà cần tạo ra sự tương tác, tranh luận, phản biện và tôn trọng sự khác biệt, để từ đó, người được vận động thấy mình bình đẳng, có quyền bày tỏ chính kiến. Vận động mà theo kiểu thuyết trình thao thao bất tận, “trên đọc dưới dò”, sẽ làm người được vận động chán ngán, không còn chú ý đến nội dung vận động. Không gian vận động sao cho thật gần gũi, không có “người trên, kẻ dưới”. Đó có thể là đám đông nhiều người, mà cũng có thể chia ra từng nhóm nhỏ có sự tương đồng nhất định. Trong vận động, có khi là một lần nhưng cũng có khi phải nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Sự thay đổi trong mỗi người có khi cần đến một quá trình để lựa chọn thiệt - hơn, mới - cũ, tôi - chúng ta...
Đất nước đi vào kinh tế thị trường, sự phân tầng, phân hóa ngày càng nhanh trong xã hội. Người dân ngày càng trí thức hơn, nhận thức nhiều hơn, có nhiều thông tin và sự lựa chọn hơn. Người dân không dễ chấp nhận lý thuyết suông, những ngôn từ sáo rỗng, xa lạ với đời sống thực tiễn. Kỹ năng vận động nói nôm na chính là nghệ thuật thuyết phục người khác. Nói theo cách ví von: “Vận động là một nghệ thuật, mà ở đó, người vận động là nghệ sĩ” - nó chỉ có thể được hình thành bằng cả một quá trình học hỏi, được huấn luyện và trải nghiệm từ thực tế cuộc sống. Vận động không chỉ là “nói” mà còn là “lắng nghe” - lắng nghe bằng sự chân thành!