AFF Cup 2007

Cầu hòa...

HLV Charnvit đến Việt Nam và phát biểu chỉ cầu hòa. Charnvit đưa ra những lo ngại khách quan, nhưng lại rất ít đề cập đến chuyên môn. Nếu thực sự là Charnvit cầu hòa thì cũng có nghĩa thế trận của người Thái sẽ không áp đảo kiểu chọn nửa phần sân đối phương làm mặt trận chính.

Cầu hòa... ảnh 1

Tại Tiger Cup 1998 , tuyển Thái Lan thua đậm Việt Nam 0-3 trên sân Hàng Đẩy (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng.

Có thể người Thái sẽ rút kinh nghiệm từ cái thua hơn 8 năm trước trên sân Hàng Đẫy để xác định lối chơi và cách chơi. Hơn nữa, với thể thức sân khách, sân nhà hoàn toàn có thể cho phép họ thực hiện việc nhẫn nhịn để chờ giải quyết ở lượt về.

Trong khi đó thì thầy trò ông Riedl lại buộc phải tính đến chuyện kiếm vốn và thậm chí là dốc hết ở lượt đi trước khi đến sân khách chịu khổ nhục kế như Myanmar ở vòng loại bảng đã thực hiện thành công.

Những buổi tập gần đây cho thấy ông Riedl đã tính đến khả năng đột biến ở hàng trên bắt đầu từ việc khôi phục trung tuyến - nơi mà ông Riedl thừa nhận là yếu nhất và bất an nhất.
Qua việc Charnvit không giấu giếm mục đích cầu hòa, cũng có thể nhìn ra thế trận mà đội khách Thái Lan sẽ cẩn trọng hơn trên sân Mỹ Đình vào đêm mai.

Nói Thái Lan chọn lối chơi “nhu” để hy vọng tìm chiến thắng sau hai lượt nghe như một nghịch lý. Và nghịch lý này (nếu có) có thể sẽ là bất ngờ lớn đối với chủ nhà bởi lâu nay các cầu thủ Việt Nam khi đá với Thái thường chuẩn bị một tinh thần bị dồn ép và đá phản công.
Hơn 8 năm trước, chiến thắng đậm đà đến 3-0 trên sân Hàng Đẫy cũng không phải là thế trận đôi công dù thời điểm đấy chúng ta có một hàng tiền vệ mạnh mẽ và nhiều thủ lĩnh trải đều trên các tuyến.

Sự bất ngờ mà ông Charnvit bật mí cũng có thể là một đòn phép mới mà tại King’s Cup, HLV này nhận ra cả hai lần Việt Nam ghi bàn là hai lần đội Thái Lan lấy lại bàn thắng nhanh nhất và dễ nhất. Điều này nói lên rằng lúc mà chúng ta say chiến thắng nhất và mải vui nhất lại là lúc chúng ta hở nhất.

Có thể Charnvit lo xa với việc giữ lưới ở lượt đi và chờ giải quyết ở lượt về nhưng cũng có thể đấy là một miếng đánh mới bắt đầu từ một kế hoạch khai thác những khoảng trống từ bài phản công thay cho lối đá quen thuộc đè nén và gây sức ép.

Cầu hòa không phải là tư tưởng yếm thế của Charnvit một khi HLV này biết rất rõ về đối thủ qua những trận đấu gần đây.

Charnvit hiểu rất rõ việc gây sức ép để khoan thẳng vào hàng thủ Việt Nam có thể sẽ không hiệu nghiệm bằng việc nhẫn bằng một lối đá chắc để phản đòn trên sân đối phương.
Riêng thầy trò ông Riedl đã nghĩ đến chuyện phải thắng và nếu được thì thắng với cách biệt càng cao càng tốt.

Giữa việc phải thắng với tối thiểu phải hòa, cái nào nhiều đường binh hơn?
Hy vọng ngoài mục tiêu phải đạt được ra, Riedl và các tuyển thủ Việt Nam sẽ không bị mắc bẫy Charnvit.

Chắc chắn sẽ không có một thế trận như Agribank Cup hơn hai tháng trước. Và cũng chắc chắn sẽ không có một thế trận mà người Thái chỉ tấn công và dồn nén, buộc đối thủ chỉ lo chống đỡ mà sai sót.

Sẽ có cương, có nhu và có cả đấu trí mà không phải cứ mạnh hơn là thắng.
Vấn đề là ai nhiều bài, nhiều miếng hơn và ai có những quân cờ thích ứng tốt hơn.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục