Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm

Cầu nối giảm nghèo

Cầu nối giảm nghèo

Nằm trong con hẻm nhỏ tại khu phố 1, phường Linh Tây, quận Thủ Đức là cơ sở gia công vỏ xe của gia đình chị Phan Như Ngọc - một trong những cơ sở được vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm (QGHTVL). Tại đây, các công nhân, phần lớn là lao động nghèo, đang miệt mài chuốt từng sợi bố -một trong những nguyên liệu chính trong vỏ xe.

Bận rộn với công việc nhưng bác Nguyễn Hữu Đức vẫn vui vẻ kể: “Từ ngoài Bắc vào, chưa có việc gì làm thì nghe bà con trong khu phố giới thiệu đến đây làm việc. Sau 5 phút được hướng dẫn là tôi có thể bắt tay vào việc ngay, không cần học nghề”.

Cầu nối giảm nghèo ảnh 1

Lao động nghèo đang làm việc tại cơ sở gia công vỏ xe của chị Ngọc tại quận Thủ Đức.

Ngoài thời gian làm việc ở xưởng, bác Đức còn tranh thủ chở hàng về nhà cho những người trong gia đình cùng làm để kiếm thêm thu nhập. “Cứ 2 ngày tôi chở 1 bao (khoảng 10 kg thành phẩm) về nhà làm với giá 7.000 đồng/kg, nếu làm tốt thì được trả thêm 1.000 đồng/kg. Với công việc ổn định và mức thu nhập tương đối này, người nghèo như chúng tôi có thể tạm yên tâm” - bác Đức bộc bạch.

Chị Ngọc, chủ cơ sở gia công này tâm sự: “Lúc đầu tui cũng đi chuốt sợi như các công nhân bây giờ, sau đó được cán bộ phường Linh Tây giới thiệu cho vay 10 triệu đồng từ Quỹ QGHTVL, tôi đầu tư mở rộng cơ sở gia công ngay tại nhà mình. Đến nay, cơ sở của tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động nghèo. Nếu được tôi sẽ vay tiếp để mở rộng cơ sở gia công, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nghèo khác trên địa bàn phường”.

Trong năm 2005, UBND TPHCM đã duyệt cho 779 dự án sản xuất nhỏ vay trên 111,7 tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho gần 19.000 lao động, đa phần là lao động nghèo. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TPHCM, các dự án vốn vay sản suất nhỏ tạo việc làm cho lao động tại chỗ đang là thế mạnh cho các địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo. Một số cơ sở sản xuất đã tạo việc làm có thu nhập ổn định cho lao động nghèo trên 1 triệu đồng/tháng.

Một số mô hình tạo việc làm cho lao động nghèo có thu nhập cao là: cơ sở sản xuất bao bì tại Hóc Môn, tạo việc làm cho 30 lao động có thu nhập từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/lao động/tháng; doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Thiên Hưng (quận Bình Thạnh) tạo việc làm cho 20 lao động thu nhập từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/lao động/tháng; cơ sở se nhang tại huyện Bình Chánh tạo việc làm cho 11 lao động có thu nhập từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng/lao động/tháng; cơ sở in giấy gói quà tại quận 2, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/lao động/tháng.

Ưu điểm của mô hình tạo việc làm thông qua các dự án nhỏ này là hiệu quả cao, tạo việc ổn định, tăng thu nhập tại chỗ cho nhiều lao động. 

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục