
Đại tá Hoàng Quốc Lịch, Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Quân khu 7 nhận xét: “Mỗi năm có hàng ngàn bộ đội xuất ngũ (BĐXN) trở về các địa phương, nhưng trong số này tỷ lệ người đi học nghề, có việc ổn định còn thấp. Nếu định hướng học nghề tốt thì BĐXN sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn”.

Học nghề y tá tại Trường Dạy nghề Quân khu 7. Ảnh: K.H.
Nhờ có cơ ngơi dạy nghề lý tưởng (mặt bằng rộng rãi, nằm ở trung tâm TP), nhiều năm qua Trường Dạy nghề Quân khu 7 đã trở thành điểm học nghề hấp dẫn đối với BĐXN và các thành phần lao động khác. Sau hai năm phục vụ trong quân ngũ, nhiều BĐXN đã chọn con đường học nghề để tạo dựng một cuộc sống ổn định.
Nhằm mở rộng cơ hội nghề nghiệp - việc làm cho BĐXN, hàng năm trường đều tổ chức đoàn cán bộ kết hợp với Đoàn Quân khu 7 xuống các trung đoàn, lữ đoàn tư vấn, hướng nghiệp cho bộ đội chuẩn bị ra quân. Tuỳ theo khả năng và trình độ học vấn, bộ đội chuẩn bị ra quân sẽ được tư vấn chọn nghề để học hoặc đăng ký đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép mới. Nhờ vậy, mỗi năm có trên 1 ngàn BĐXN được nhà trường trang bị nghề và giới thiệu việc làm ổn định.
Tuy vậy, đánh giá về thực tế trang bị nghề cho BĐXN, Đại tá Hoàng Quốc Lịch vẫn trăn trở: “Trường chúng tôi có khả năng tiếp nhận và đào tạo nghề cho trên 2.000 BĐXN, gấp đôi số lượng BĐXN được đào tạo nghề hàng năm, nhưng do đầu vào còn ít nên trường chưa sử dụng hết công suất đào tạo nghề cho đối tượng được ưu tiên này”.
Hiện Trường Dạy nghề Quân khu 7 đang tổ chức dạy nghề cho 5.500 lượt học viên, trong đó nghề ngắn hạn chủ yếu là lái xe, y tá trình độ sơ cấp; nghề chính quy (thời gian 18 tháng) gồm : sửa chữa kỹ thuật ô tô, điện công nghiệp dân dụng, sửa chữa máy thiết bị ngoại vi ( điện tử, máy tính). Học viên là bộ đội xuất ngũ được miễn phí 100% và bao ăn, ở. Mọi chi tiết liên hệ tại số 557 Nguyễn Tri Phương, phường 14 quận 10. |
Thực tế cho thấy, sau hai năm phục vụ quân ngũ, nếu được trang bị một nghề nào đó thì khi trở về địa phương số BĐXN sẽ không rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhưng vì sao nhiều BĐXN chưa mặn mà với chương trình ưu đãi hỗ trợ học nghề do Bộ Quốc phòng đầu tư? Xuất phát từ tâm lý muốn có việc làm và thu nhập ngay, nhiều BĐXN đã bỏ qua cơ hội được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm miễn phí.
Được biết hàng năm, nhà nước đã ưu tiên dành một khoản kinh phí cho BĐXN học nghề, thế nhưng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này chưa cao. Hàng năm ngoài khoản kinh phí đào tạo nghề được phân về các trường dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu, trước khi xuất quân, mỗi bộ đội còn được lãnh số tiền hỗ trợ học nghề gần 2 triệu đồng. Cầm khoản tiền ít ỏi này trong tay, thay vì đầu tư cho học nghề, tìm việc làm, nhiều BĐXN đã sử dụng không đúng mục đích như chia tay bạn bè hoặc chi cho những việc khác.
Ông Lịch đề nghị nên giao số tiền này cho các phòng tài chính quân khu hoặc đưa về các trường dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng, quân khu nhằm bắt buộc BĐXN phải theo học một nghề nào trước khi ra quân. Có như thế mục đích hỗ trợ học nghề giải quyết việc làm cho BĐXN mới mang lại hiệu quả cao. Bởi lẽ nếu được hướng nghiệp, trang bị nghề nghiệp tốt thì lực lượng lao động có sức khỏe, có tính kỷ luật cao này sẽ tiếp tục đóng góp cho xã hội nhiều hơn.
KHÁNH HÀ