Cấu trúc lại y tế cơ sở: Tận dụng hiệu quả nguồn lực

Tại buổi làm việc với các cơ sở y tế mới đây, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đặt vấn đề về việc tổ chức, quy hoạch lại hệ thống y tế của TP hợp lý hơn, hiệu quả hơn, không đầu tư lãng phí và tận dụng hiệu quả nguồn lực… Đây cũng là thực tế mà ngành y tế đang hướng đến không chỉ trong lĩnh vực khám chữa bệnh mà ngay cả trong y tế dự phòng.
Cấu trúc lại y tế cơ sở: Tận dụng hiệu quả nguồn lực

Tại buổi làm việc với các cơ sở y tế mới đây, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đặt vấn đề về việc tổ chức, quy hoạch lại hệ thống y tế của TP hợp lý hơn, hiệu quả hơn, không đầu tư lãng phí và tận dụng hiệu quả nguồn lực… Đây cũng là thực tế mà ngành y tế đang hướng đến không chỉ trong lĩnh vực khám chữa bệnh mà ngay cả trong y tế dự phòng.

Bộ máy… cồng kềnh!

Trước những năm 2006-2007, hệ thống y tế cơ sở cấp quận, huyện của TPHCM bao gồm trung tâm y tế và phòng y tế. Trong đó, trung tâm y tế có chức năng vừa khám chữa bệnh vừa công tác dự phòng. Sau đó, thực hiện chủ trương “chia tách”, trung tâm y tế được chia làm 2 gồm: trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện (BV) quận, huyện như ngày nay. Thực tế, sau cuộc “ly hôn”, y tế cơ sở của TPHCM có tính chất chuyên biệt hơn nhưng lại tạo ra một “mạng nhện” và phải mất vài ba năm đầu, hệ thống y tế dự phòng gần như làm lại từ đầu với những thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực chắp vá. Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) quận, huyện nào cũng đòi trụ sở mới, bộ máy mới. Song điều quan ngại là đội ngũ cán bộ chuyên trách tại TTYTDP èo uột, chủ yếu được tập huấn chứ không được đào tạo bài bản chính quy về y tế cộng đồng hay y tế dự phòng, trình độ chưa tương xứng nên từ 10 năm qua, hệ thống YTDP TPHCM vẫn được đánh giá là yếu và thiếu!

Trong những năm qua, hệ thống YTDP luôn “đấu tranh” để được bổ sung thêm chức năng khám chữa bệnh. “Anh em làm y tế dự phòng khó khăn do chính sách đãi ngộ thấp, lại vướng mắc về cấp chứng chỉ hành nghề nên khó tuyển”, một lãnh đạo TTYTDP quận, băn khoăn… Trong khi đó, sau khi được tách, các TTYT quận huyện được “nâng cấp” lên thành BV và hiện TPHCM có 24 BV quận, huyện. Hầu hết các BV đều được xây dựng, cải tạo mới, song theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM có BV hoạt động khám chữa bệnh tốt nhưng cũng có BV vẫn… chẳng hơn xưa!

Như vậy, tính ra hệ thống y tế cấp quận huyện của TPHCM đã có ít nhất 62 cơ sở gồm BV, TTYTDP, phòng quản lý; chưa kể còn có tới 322 trạm y tế phường, xã. Ngoài khám chữa bệnh và YTDP, từ năm 2006, TPHCM đã cho phép “khắc xuất” một loạt đơn vị thuộc y tế cơ sở để thành lập các trung tâm riêng: Trung tâm Dinh dưỡng TP; Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; Trung tâm Sức khỏe và môi trường; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế; Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm…. Tính sơ sơ thì các đơn vị y tế cơ sở thuộc ngành y tế TPHCM đã lên tới con số vài chục. Chưa nói đến quy chế hoạt động, hiệu quả hoạt động, mà nói đến cơ sở vật chất, con người cũng là một “khối” đồ sộ.

Khám bệnh ở một bệnh viện tại TPHCM

Phải tổ chức lại

Làm việc với BV quận Thủ Đức và BV Đa khoa khu vực Thủ Đức mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng băn khoăn vì 2 BV chỉ cách nhau hơn 200m mà đã có những chênh lệch và khác biệt về uy tín, chất lượng dịch vụ. “Liệu có nên cơ cấu đầu tư 2 BV thành một để cùng tận dụng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực một cách hiệu quả hơn”, đồng chí Đinh La Thăng đặt vấn đề và chỉ đạo Sở Y tế sớm nghiên cứu xây dựng, lập đề án tổ chức lại, quy hoạch lại hệ thống y tế TP hợp lý hơn, hiệu quả hơn, không đầu tư lãng phí mà tận dụng, phát huy nguồn lực sẵn có.

Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng TPHCM cũng là chủ trương mà Bộ Y tế đang triển khai. Theo Bộ Y tế, không chỉ TPHCM, hầu hết các địa phương tồn tại nhiều cơ sở y tế mà nói như ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) là “bộ máy cồng kềnh, tốn kém rất lớn chi phí ngân sách nên cần xem lại hiệu quả hoạt động”. Theo ông Tác, tinh thần của Thông tư số 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ là tiến tới sáp nhập các trung tâm, y tế cơ sở giúp tinh giản nhân lực, giảm hàng trăm xe công phục vụ, giảm xây dựng mới hàng trăm trụ sở công. Theo các chuyên gia y tế, thực trạng chức năng chồng chéo của hệ thống y tế cơ sở lâu nay rất lớn, làm cản trở lẫn nhau hoặc là “cha chung không ai khóc”. Thậm chí có những trung tâm, đơn vị hoạt động mờ nhạt, không hề mang lại hiệu quả nhưng vẫn tồn tại, chi tiêu ngân sách, chiếm dụng cơ sở vật chất. Đó là chưa kể sinh ra các tiêu cực, làm thiệt hại đến quyền lợi của người dân, ảnh hưởng đến nhà nước. “Chủ trương là tiến hành sáp nhập các TTYTDP, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm phòng chống bệnh xã hội… thành một đơn vị thống nhất, hướng đến mô hình tập trung”, ông Phạm Văn Tác cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, việc sáp nhập TTYTDP, trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện là hợp lý nhằm đảm bảo thống nhất điều hành trong việc phòng chống và điều trị cho người dân đạt kết quả tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở, nguồn lực đầu tư tập trung. Mặt khác, ngay cả các BV tuyến thành phố, khu vực, nếu hoạt động không hiệu quả, không thu hút người bệnh, cũng nên xem xét cơ cấu tổ chức lại hoặc sáp nhập với các BV cùng địa bàn… Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy việc triển khai Thông tư 51/2015/TTLT-BYT-BNV đến nay còn quá chậm.

Theo Thông tư 51/2015/ TTLT-BYT-BNV 5, các cơ quan trực thuộc Sở Y tế chỉ còn Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế:  Lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên ngành thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng; các trung tâm chuyên khoa, trung tâm có giường bệnh chuyển về BV đa khoa tỉnh hoặc thành lập BV chuyên khoa khi có nhu cầu và có đủ điều kiện về nguồn lực.


TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục