Cây kim trong bọc...

Chắc chắn sau vụ Khaisilk “đánh lận con đen” tráo hàng lụa Việt bằng hàng lụa Trung Quốc, người tiêu dùng sẽ quay lưng với các sản phẩm này của Khaisilk. 
Và không chỉ có thế, theo nhiều chuyên gia về kinh tế và doanh nghiệp “lão làng”, nhiều dịch vụ và hàng hóa khác của ông Hoàng Khải (Khaisilk) cũng sẽ bị khách hàng nghi ngờ. Sự nghi ngờ sẽ đeo đẳng ông Hoàng Khải trong suốt quá trình kinh doanh sắp tới (nếu có) của ông. Hiện Khaisilk đã thông báo kế hoạch thu hồi sản phẩm “đánh tráo” và hoàn lại tiền cho khách hàng. Đây là hành vi “chuộc lỗi” của ông Hoàng Khải, nhưng không chắc sẽ giúp Khaisilk vớt vát được hình ảnh của mình trong lòng khách hàng. Đó là chưa kể, Khaisilk còn phải đối mặt với điều tra của ngành chức năng về vi phạm liên quan tới xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thực hiện việc này. Xem ra, con đường kinh doanh sắp tới của ông Hoàng Khải khá mù mịt.

Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng hơn với thế giới. Nhìn ra ngoài để thấy, kiểu làm ăn lừa dối khách hàng đã làm nhiều doanh nghiệp lớn, có thâm niên hoạt động hàng mấy chục năm, rơi vào tình trạng bi đát, thậm chí phá sản.

Tập đoàn sản xuất túi khí Takata (Nhật Bản) vài tháng trước đã đệ đơn xin phá sản sau khi phải bồi thường 1 tỷ USD vì lỗi túi khí. Ngoài ra, 3 cựu giám đốc điều hành của Takata còn bị cáo buộc giả mạo báo cáo kiểm tra. Lỗi túi khí Takata được cho là nguyên nhân gây ra 11 cái chết riêng tại Mỹ và hơn 180 trường hợp thương vong trên thế giới. Gần đây nhất, sau khi hãng thép Kobe Steel (Nhật) thừa nhận hành vi giả mạo dữ liệu về chất lượng đối với hơn 20.000 tấn sản phẩm kim loại trong khoảng thời gian từ tháng 9-2016 đến 8-2017, giá cổ phiếu của Kobe trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo đã giảm gần 40%, làm bốc hơi 1,5 tỷ USD vốn hóa thị trường của Kobe. Hay như vụ bê bối bán thịt hư thối ở Brazil đã làm cho ngành sản xuất thịt nước này rơi vào khủng hoảng. 

Cách đây chưa lâu, Trung Quốc cũng xôn xao trước vụ bê bối sữa giả sau khi chính quyền thành phố Thượng Hải bắt giữ 6 người bị tình nghi làm giả và bán hơn 17.000 hộp sữa công thức giả cho trẻ em ở một số tỉnh, thành nước này. Hay vụ phát hiện hơn 700 tấn sữa bột nhiễm melamine, một chất hóa học độc hại sử dụng trong các sản phẩm nhựa, phân bón và hóa chất làm sạch trong các sản phẩm sữa công thức của Công ty Sanlu (Trung Quốc).

Sự phát triển của mạng xã hội còn làm cho các hành vi gian dối trong kinh doanh khó mà che đậy lâu được. Vụ Khaisilk bị phát giác, ít nhiều đã có sự “đóng góp” của mạng xã hội và Khaisilk buộc phải hoàn trả tiền cho khách hàng cũng bởi cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng là sức ép mạnh mẽ từ dư luận. 

Để ra “biển lớn” làm ăn, doanh nghiệp Việt Nam phải “thấm” rất rõ các bài học này. Có thể trong giai đoạn trước mắt, hệ thống pháp luật còn đôi chỗ chưa theo kịp thực tế, bộ máy quản lý ở nhiều nơi còn thiếu và yếu, chưa bao quát hết các hoạt động sản xuất kinh doanh nên những doanh nghiệp làm ăn gian dối vẫn có đất sống. Thế nhưng, chưa bao giờ, sự gian dối có đất sống bền lâu như ông bà ta đã khẳng định “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Phong trào khởi nghiệp đã và đang được triển khai rộng rãi khắp cả nước với mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Riêng TPHCM đặt mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp, chiếm 1/2 doanh nghiệp cả nước. Liệu chúng ta có đạt được mục tiêu này? Mọi việc sẽ rõ vào năm 2020, thế nhưng như nhiều chuyên gia nhận định, số lượng doanh nghiệp chỉ là một phần quan trọng của mục tiêu. Phần quan trọng hơn chính là chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật và tạo ra nhiều của cải cho xã hội mới là động lực quan trọng cho đất nước phát triển. Những doanh nghiệp làm ăn gian dối chỉ làm cho mọi thứ xấu đi. Chính vì vậy, bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật, nỗ lực giữ gìn đạo đức trong kinh doanh của doanh nghiệp, ngành chức năng phải có những động thái hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài tinh giảm thủ tục hành chính, ngành chức năng phải nhanh nhạy hơn nữa trong chức trách phát hiện kịp thời những hành vi kinh doanh gian dối. Như vụ Khaisilk, nhiều chuyên gia trong ngành dệt may cho biết, Việt Nam có rất ít doanh nghiệp thực hiện được công nghệ “chuội” sợi tơ, là công đoạn cực kỳ quan trọng để có được sợi tơ mềm, đều, để làm được các sản phẩm tơ tằm đẹp. Không ít cán bộ trong ngành công thương biết được điều này. Và nếu họ để tâm và có trách nhiệm có lẽ Khaisilk đã không thể lừa dối khách hàng tới gần 30 năm như vậy.

Tin cùng chuyên mục