“Cây sa mộc” trên thác Bản Giốc

Là sĩ quan biên phòng chuyển sang làm bí thư Đảng ủy, rồi kiêm luôn Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, 13 năm qua, Thượng tá Mê Văn Đạt luôn gắn bó, lăn lộn, đứng mũi chịu sào, từng bước đưa xã nghèo vùng sâu, vùng xa này trở thành điểm sáng nơi miền biên viễn. 

Sống gần gũi, chan hòa và luôn vì cái chung, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu nên anh được dân bản tin yêu, ví như là cây sa mộc trên thác Bản Giốc...

“Cây sa mộc” trên thác Bản Giốc ảnh 1 Thượng tá Mê Văn Đạt (ngoài cùng, bên phải) được người dân tin yêu, ví như là cây sa mộc trên thác Bản Giốc
1. “Thời đại 4.0 rồi, nói ít, làm nhiều dân mới tin”, Thượng tá Mê Văn Đạt đón chúng tôi bằng câu nói ngắn gọn kèm cái siết chặt tay. Không câu nệ, khách sáo và không thích làm việc kiểu “đút chân gầm bàn”, anh hẹn gặp chúng tôi tại thác Bản Giốc để vừa tiện tham quan vừa trao đổi công việc. Trong khung cảnh êm đềm, thơ mộng nơi núi rừng mờ sương, anh Đạt chia sẻ: Trong tương lai không xa, thác Bản Giốc sẽ trở thành trọng điểm du lịch của quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. 

Trước câu hỏi: Làm cách nào để khách vào ở lâu, ra về chậm? Anh Đạt trả lời, am hiểu như dân làm du lịch thực thụ: Rút kinh nghiệm từ những địa phương khác, chúng tôi chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, phát huy những lợi thế sẵn có như các giá trị văn hóa của đồng bào, sản xuất và cung cấp các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa của địa phương, phát triển loại hình du lịch homestay (lưu trú tại nhà). Để làm được điều đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tổ chức cho người dân đi tham quan, học hỏi ở nhiều khu du lịch nổi tiếng.

Anh Nông Ích Sĩ, người đầu tiên ở Đàm Thủy làm homestay, nói: “Cách đây 3 năm, cả xã không ai dám làm homestay. Được anh Đạt động viên, rồi UBND xã tổ chức cho đi tham quan, học tập tại nhiều địa phương nổi tiếng về du lịch trong cả nước, gia đình tôi mới mạnh dạn làm thử. Thu nhập khá và ổn định hơn làm ruộng nên đến nay xã đã có 14 hộ làm homestay”.

Xã biên giới Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), nơi có khu du lịch thác Bản Giốc nổi tiếng, đang trên đà đổi mới. Đường giao thông đã được trải nhựa, có hệ thống chiếu sáng công cộng, có khu vui chơi giải trí. Ở khu vực trung tâm đã xuất hiện nhiều cửa hàng, công ty, khách sạn. Cuộc sống no đủ hiện diện ở mọi nơi, từ các bản người Tày đến bản người Nùng. “Cái kết có hậu của ngày hôm nay, chỉ khoảng mươi năm về trước thôi, là giấc mơ của hàng ngàn hộ dân nơi vùng sâu biên giới này. Giấc mơ đó liên quan nhiều đến lũng Phiắc”, chị Tô Thị Liên, Chủ tịch MTTQ xã Đàm Thủy, tâm sự.

Với những kết quả đạt được, Thượng tá Mê Văn Đạt vinh dự 3 lần được Chủ tịch nước gặp mặt động viên, 2 lần được Chính phủ, 37 lần được các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh Cao Bằng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen, 8 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2015 được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân.
2. Lũng Phiắc là xóm người Nùng, giáp biên giới, có rất nhiều quặng mangan nằm lộ thiên. Vài chục năm trước, mùa màng thất bát liên tục, đói quá nên người dân ở lũng Phiắc bỏ ruộng, bỏ nương đi đào quặng mang sang biên giới bán kiếm tiền. Lũng Phiắc khi đó trông nham nhở như bãi chiến trường. Trẻ em không có người dạy bảo, quên cả việc đến trường. Có tiền, những hệ lụy như rượu chè, bài bạc, ma túy xảy ra liền sau đó. Số người nghiện ngày càng tăng, an ninh chính trị, trật tự xã hội ngày càng phức tạp. “Không chỉ lũng Phiắc mà ngay cả xã Đàm Thủy lúc đó cũng rất rối ren. Dân thì đói, an ninh chính trị phức tạp, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, xóm đều yếu. Nóng đến mức Tỉnh ủy phải ra chỉ thị riêng để chấn chỉnh nạn khai thác quặng ồ ạt ở lũng Phiắc và ổn định tình hình ở Đàm Thủy”, ông Nông Văn Chấn, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng (nguyên là Bí thư huyện Trùng Khánh giai đoạn 2005-2010) nhớ lại.

Cuối năm 2007, anh Mê Văn Đạt đang là Chánh Văn phòng Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được đưa xuống làm Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy. “Khi hay tin, một số người không ủng hộ. Họ nói, cả xã Đàm Thủy có trên 1.000 hộ với gần 5.000 người, không ai làm được hay sao mà phải đưa cán bộ biên phòng về làm bí thư”, Đại tá Bùi Văn Nhị, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng chia sẻ.

3. Biết là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng anh Mê Văn Đạt không nản chí. Nhớ lời dạy của Bác: Làm cán bộ phải gần dân, hiểu dân và vì dân, ngay từ những ngày đầu khoác lên vai trọng trách mới, anh luôn dành thời gian để đến với dân, nhất là ở lũng Phiắc. Gần dân, nghe dân nói, hiểu dân, anh Đạt vỡ lẽ ra rằng, mọi rắc rối đều xuất phát từ đói nghèo và niềm tin của người dân bị giảm sút. Khi đã củng cố được lòng tin, anh thuyết phục người dân bỏ đào quặng bằng cách giúp họ nâng cao năng suất trồng lúa, tập trung phát triển sản xuất. Từ 1 vụ lúa, nâng lên thành 2 vụ lúa/năm rồi thêm 1 vụ màu. Các đàn gia súc, gia cầm ngày càng nhiều. Có bát ăn, bát để, người dân tin theo chính quyền, không còn đào quặng nữa, an ninh chính trị ngày càng ổn định.

Từ điểm nóng về khai thác quặng trái phép, về tệ nạn xã hội, về bỏ bê ruộng đồng, lũng Phiắc đã trở thành điểm sáng của xã, của huyện về trồng lúa, trồng màu và chăn nuôi gia súc. Chỉ 2 năm sau khi anh Đạt đảm nhận vai trò “đầu tàu” của xã, những cánh đồng nham nhở, hoang hóa ngày nào đã được thay bằng tấm áo mới mạ non. Mùi bùn đất, mùi quặng mangan xưa, nay đã thay bằng hương lúa mới. Hơn 10 năm qua, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp đã được anh Đạt động viên người dân áp dụng thành công. Điển hình là đầu tư hệ thống kênh mương phục vụ cho việc trồng lúa 2 vụ (trước kia chỉ 1 vụ/năm), thâm canh các cây ngắn ngày khác và phát triển chăn nuôi dựa trên thế mạnh sẵn có của địa phương. Nhờ vậy nên tổng sản lượng nông nghiệp của xã Đàm Thủy tăng hàng năm. 

“Năm 2019, chỉ tính sản lượng lương thực cây có hạt đã là 3.400 tấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37% năm 2007 xuống còn 10,7% theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều. Đàm Thủy được chọn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới và đang cố gắng về đích vào năm 2022”, chị Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đàm Thủy, phấn khởi cho biết.

Không chỉ là điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từ năm 2010, Đàm Thủy đã trở thành xã đầu tiên của tỉnh Cao Bằng hoàn thành việc xóa xóm trắng đảng viên. Liên tục 12 năm qua, Đảng bộ xã Đàm Thủy luôn đạt trong sạch vững mạnh. Hàng năm có trên 90% trong tổng số 215 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cuộc sống ngày càng phát triển, an ninh chính trị ổn định, đường biên mốc giới luôn được giữ vững, bà con ngày càng yên tâm, phấn khởi. Một cuộc sống mới, khởi sắc đang hiện diện nơi vùng cao biên giới Đàm Thủy.

Mời tham gia: Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt (2019 - 2020)

Nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt việc tốt, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Báo SGGP mời tham gia cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020).
- Đối tượng và tác phẩm dự thi: Là các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước. Tác phẩm dự thi có độ dài tối đa 1.700 chữ với thể loại phóng sự, ký sự nhân vật về người tốt, việc tốt + ảnh minh họa thực tế. Trên tác phẩm, tác giả ghi thông tin về mình, nơi công tác, địa chỉ cư trú và địa chỉ đăng ký hộ khẩu, số giấy CMND. Tác phẩm dự thi chưa đăng bất kỳ phương tiện truyền thông nào. 
- Giải thưởng: 1 Giải nhất: 40 triệu đồng và 1 máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng. 2 Giải nhì: 20 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh trị Canon trị giá 20 triệu đồng. 3 Giải ba: 15 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh Canon trị giá 15 triệu đồng. 10 Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải và 1 máy in vi tính Canon.  
- Thời gian: Nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động 3-8-2019 đến ngày 31-3-2020. Tác phẩm dự thi xin gửi tới Tòa soạn Báo SGGP số 432-434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục