Cha và con

1. Tháng vừa rồi, tôi về quê thăm ba tôi. Ba tôi năm nay 82 tuổi, con mắt phải của ông từ lâu đã không còn nhìn thấy gì sau khi ghép giác mạïc thất bại nhiều lần. Con mắt trái của ông đục thủy tinh thể, nhưng ông cứ để vậy. Còn hai con mắt, mổ một con nhỡ có bề gì vẫn còn con kia để nhìn đời. Đằng này một con mắt đã hư nên ông ngại phẫu thuật con mắt còn lại. Nhưng lần này con mắt trái của ba tôi trở chứng làm ông rất khó chịu, nhỏ thuốc hoài vẫn không hết xốn nên nhân dịp tôi về, ông bảo tôi đưa ông vào Sài Gòn mổ mắt.

Tôi điện thoại vào Sài Gòn, nhờ người quen đặt vé cho ba tôi. Thông tin chuyến bay được thông báo cho tôi qua tin nhắn trên điện thoại cầm tay. Tôi nói với ba tôi “Con đã mua vé cho ba rồi”, và tôi đưa tin nhắn cho ông xem. Trông ông có vẻ hồi hộp, lần đầu tiên ông thấy mua vé máy bay theo kiểu này “Ủa, chỉ vậy thôi hả con? Người ta không đưa vé cho mình giữ sao?”. Tôi trấn an “Đây là vé điện tử ba à. Tới sân bay chỉ cần đọc mã số lên là người ta phát tờ vé thật cho mình”. Ba tôi vẫn tỏ vẻ lo lắng “Nhưng con có chắc là ba đi chung một chuyến bay với con không?”. “Dạ, ba và con đi chung mà”, tôi trả lời, biết ông ngại đi một mình. Rồi thấy ông vẫn chưa yên tâm, tôi lôi điện thoại ra chỉ cho ông xem số hiệu chuyến bay trong mẩu tin: “Ba nhìn đi. Con cũng đi chuyến bay này mà”.

2. Tôi đưa ba tôi ra sân bay, luôn đi cạnh ông, nhắc ông lấy giấy chứng minh nhân dân ra cầm tay, cởi đồng hồ, bóp, các lọ thuốc trong túi áo... bỏ vào khay khi qua cửa an ninh.

Khi lên được máy bay, ba tôi trông đã thư thái hơn. Sau khi cất hành lý xách tay của ông lên khoang chứa đồ, tôi sực nhớ ba tôi có một cái điện thoại cầm tay “Điện thoại của ba đâu rồi, ba tắt nguồn đi ba”. “Tắt nguồn là sao?”. “Là tắt hẳn điện thoại. Trên máy bay người ta không cho xài điện thoại, sợ sóng điện thoại ảnh hưởng đến các thiết bị cảm biến điện tử trên máy bay”. “Ba cất điện thoại trong vali”. Tôi lại mở nắp khoang, lôi cái vali của ba tôi xuống, mò tìm cái điện thoại. Đó là cái Nokia đời cũ, ba tôi không biết cách tắt nguồn đã đành, ngay cả tôi cũng phải mò mẫm cả buổi mới tắt được. Anh chàng người Serbia ngồi cạnh, thấy tôi loay hoay với cái điện thoại liền nhiệt tình cầm lấy và... khởi động lại điện thoại giùm tôi. Tôi cười “Cảm ơn. Nhưng tôi đang muốn tắt điện thoại. Và đã tắt được rồi” khiến anh chàng bẽn lẽn “sorry” rối rít.

3. Sau khi phẫu thuật mắt, ba tôi ở chơi với tôi một tuần, chờ tái khám. Ngày quay về Đà Nẵng, tôi lại đưa ba tôi ra sân bay. Lần này ba tôi phải đi một mình nên trông ông có vẻ bồn chồn. Lúc xếp hàng trước quầy vé, ông cứ nơm nớp hỏi những người trong hàng “Có phải chỗ này phát vé đi Đà Nẵng không, bác?”. Tôi phải nhắc ông “Ba ơi, bây giờ người ta không phân vé theo nơi đến như hồi trước. Đi đâu cũng xếp hàng ở đây hết ba à, miễn đúng hãng máy bay là được”. Bữa đó, tôi đưa ba tôi đến chân cầu thang cuốn. Tôi nói “Vali ba nhẹ, ba cầm trên tay đi ba. Đi cầu thang cuốn không quen, kéo vali lệch xệch dễ bị té lắm đó”. Rồi tôi cẩn thận dặn dò “Ba nhớ cất vé máy bay và giấy chứng minh nhân dân trong ngăn ngoài của vali. Khi nào trình giấy tờ thì lấy ra, xong lại cất vào. Ba đừng cầm trên tay hoặc nhét túi áo, lấy vô lấy ra coi chừng rớt”. Lúc ba tôi chuẩn bị bước lên cầu thang, tôi sực nhớ “Lên máy bay rồi, ba nhờ mấy anh thanh niên hoặc mấy cô tiếp viên cất vali lên khoang cho ba nghe ba. Ba đừng cố nhấc vali, nguy hiểm lắm đó!”.

Khi chiếc cầu thang cuốn đưa ba tôi lên được nửa chừng, tôi còn cao giọng nói vói theo “Ba nhớ đưa điện thoại cho ai đó tắt nguồn giùm nghe ba!”. Tôi không nghe ba tôi nói gì nhưng thấy ông gật gật đầu tôi cũng yên tâm.

Tôi đứng nhìn theo ba tôi cho đến khi ông khuất hẳn trên tầng lầu, mới lủi thủi ra về.

4. Trên đường ra bãi đậu xe, tôi bỗng nhớ cách đây 40 năm, lần đầu tôi đi máy bay từ Đà Nẵng vô Sài Gòn, ba tôi cũng đưa tôi ra sân bay như tôi đưa ba tôi sáng hôm nay.

Năm đó, tôi 19 tuổi - như chú chim non ngập ngừng tập bay xa. Ba tôi đi bên cạnh tôi, cũng liên tục nhắc nhở tôi từng chút, dặn dò tôi kỹ lưỡng y như tôi dặn dò ông bây giờ “Con nhớ cất vé máy bay và thẻ căn cước trong ngăn ngoài của vali. Khi nào trình giấy tờ thì lấy ra, xong lại cất vào. Con đừng cầm trên tay hoặc nhét túi áo, lấy vô lấy ra coi chừng rớt”.

Ba tôi nói với tôi những lời giống hệt những lời hôm nay tôi nói với ông, chỉ khác hồi đó xài “thẻ căn cước” bây giờ xài “giấy chứng minh nhân dân”. Thời gian trôi nhanh quá, tôi ngậm ngùi nhủ bụng, tự nhiên thấy mắt cay cay...

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục