(SGGPO).- Chấm dứt “đẻ” phí và lệ phí tùy tiện. Đó là yêu cầu dứt khoát của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi bàn về dự án Luật Phí và lệ phí tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bày tỏ chưa hài lòng vì dự án Luật chưa đưa ra được một danh mục cụ thể các loại phí và lệ phí - mà theo Hiến pháp là thuộc thẩm quyền quy định của Quốc hội - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng: “Nếu chưa có danh mục cụ thể để Quốc hội thông qua thì tôi chắc Quốc hội sẽ không hài lòng. Là Chủ tịch Quốc hội, tôi cũng sẽ không bấm nút thuận được. Mức thu bao nhiêu cũng là thẩm quyền của Quốc hội, nhưng để đảm bảo tính khả thi, Quốc hội giao cho Chính phủ và HĐND cấp tỉnh quy định”.
Một yêu cầu dứt khoát nữa từ người đứng đầu Quốc hội là xác định lại cho đúng tính chất “phí”, “lệ phí” và kiên quyết loại ra ngoài những khoản thu mà thực chất là giá dịch vụ. “Học phí, viện phí đã được đưa ra ngoài rồi, coi là giá dịch vụ rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều khoản khác không thể coi là phí, lệ phí được. Chẳng hạn phí đường cao tốc thực chất là giá dịch vụ phải trả để sử dụng đường. Tóm lại, cái gì thực sự là phí, lệ phí thì phải đưa vào danh mục, quy định vào Luật. Quốc hội quản lý danh mục này, tùy tiện đẻ thêm một loại phí, lệ phí nào đó là không được. Cái gì thực chất là giá cần đưa ra khỏi Luật này, áp dụng theo Luật Giá”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Nhắc lại câu chuyện “một quả trứng cõng 14 loại phí”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Còn tới gần 1.000 loại phí như thế thì nông nghiệp phát triển làm sao được! Cải cách hành chính phải bắt đầu chính là từ đây chứ đâu! Dự thảo Luật như thế này vẫn còn rất rối, khó lòng đạt được mục tiêu nâng hạng môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của ASEAN 6”.
Được yêu cầu giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, hiện lĩnh vực nông nghiệp có tới 937 khoản phí và hơn 90 loại lệ phí, rất phức tạp. Trong đó, “vô địch” về số loại phí và lệ phí là thú y. Tuy nhiên, tình trạng này còn tồn tại ở hàng loạt lĩnh vực khác...
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất về hầu hết các vấn đề. Tuy nhiên, hiện vẫn có sự khác biệt về quan điểm trong việc quy định ngay trong Luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí bảo đảm rõ ràng, minh bạch hay chỉ quy định nhóm danh mục phí và lệ phí, còn danh mục chi tiết giao Chính phủ quy định.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và tránh tình trạng lạm thu tạo gánh nặng cho người dân, đề nghị Chính phủ cần quy định Danh mục phí và lệ phí chi tiết, cụ thể hơn đến từng loại phí, lệ phí ngay trong Luật.
Tuy nhiên, do mỗi loại phí, lệ phí có nhiều khoản, dòng khác nhau, cách tính và mức thu khác nhau, do vậy có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, để đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, xin Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trong khi đó, theo cơ quan soạn thảo, số lượng danh mục phí và lệ phí là khá lớn, nếu quy định chi tiết ngay trong Luật là không khả thi. Qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí không phát sinh vướng mắc. Kinh nghiệm các nước, các khoản phí, lệ phí đều giao cho Bộ Tài chính và Hội đồng địa phương (Bang, địa phương) quyết định mức thu và quản lý sử dụng phí, lệ phí thu được. Do đó, kế thừa quy định hiện hành, đề nghị dự thảo luật chỉ quy định danh mục phí và lệ phí theo nhóm dịch vụ và giao Chính phủ quy định danh mục chi tiết của từng loại phí, lệ phí là phù hợp với thực tiễn và khả thi.
---------------------------------------------
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay 10-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, UBTVQH sẽ dành phần lớn thời lượng của phiên họp cho công tác xây dựng pháp luật.
Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 10-8
Các dự án luật được trình xin ý kiến lần này chủ yếu thuộc lĩnh vực tư pháp, nhằm triển khai Hiến pháp liên quan quyền con người, bảo đảm công bằng công lý, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Bên cạnh đó là các dự án luật liên quan đến các quyền dân chủ xã hội như Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin... Theo Chủ tịch Quốc hội, khi các dự án luật này được chính thức ban hành thì “cơ bản đã đầy đủ các luật nhằm triển khai toàn diện Hiến pháp 2013”.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại phiên họp sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Kế toán. Các ý kiến trong UBTVQH nhận xét, dự án Luật còn khá chung chung, để lại quá nhiều nội dung phải quy định trong nghị định, thông tư. Đáng lưu ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, vẫn còn một số nội dung trong dự Luật chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. “Hiến pháp đã quy định những nội dung cấm phải đưa vào luật, chứ không được quy định trong các văn bản dưới luật.
Một nội dung khác là điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, ông Phan Trung Lý cho rằng, quy định ở luật này cũng không đúng. Nội dung này phải được chế định trong Luật Doanh nghiệp và chỉ ở trong Luật Doanh nghiệp mà thôi.
Bên cạnh đó, các nội dung về kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ cũng được ông Phan Trung Lý phân tích, góp ý: “Nội dung gì thuộc phạm vi kiểm soát hoạt động kế toán thì đưa vào, còn kiểm toán nội bộ thì nên có luật riêng. Nếu đưa vào đây thì phải bổ sung rất nhiều nữa”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Kế toán trong nền kinh tế thị trường, cũng như trong việc tạo ra sự minh bạch, dễ thực thi nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Hoạt động kế toán phải hiện đại, hòa nhập với quốc tế; đảm bảo tính chính xác, khách quan, từ đó thấy rõ tiến bộ, phát triển, cũng như làm lộ diện tiêu cực, tham nhũng, biển thủ. Tôi cho rằng dự thảo này chưa đạt đến mức độ cụ thể cần thiết. Cần nghiên cứu đưa vào đây những chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức kế toán căn bản nhất”.
Giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đều thừa nhận sự cần thiết phải quy định chặt chẽ về chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức kế toán, nhưng đều cho rằng vấn đề này quá phức tạp; chỉ có thể quy định nguyên tắc, phương pháp. Về kiểm toán nội bộ, đại diện cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ cố gắng phối hợp để bổ sung, chi tiết hóa trong dự thảo Luật Kế toán.
ANH PHƯƠNG