Chấm dứt nạn“cướp”môi trường

Với 44 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Hạ viện Pháp vừa thông qua một nội dung mới trong dự thảo Bộ luật Môi trường, theo đó coi hành động phá hoại môi trường, dù cố tình hay vô ý, là hành vi phạm tội. 

Những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ chịu án tù tối đa 10 năm cùng khoản phạt 5 triệu EUR (khoảng 5,4 triệu USD).

Bộ trưởng Môi trường Pháp Barbara Pompili cho biết, nếu bộ luật này được thông qua, sẽ giúp ngăn chặn ngay lập tức những vụ việc phá hoại môi trường nghiêm trọng nhất ở cấp độ quốc gia.

Bên cạnh đó, Hạ viện Pháp cũng cho phép coi hành vi gây nguy hiểm cho môi trường sống của các loài sinh vật là một loại hình tội phạm mới, và bên vi phạm có thể bị phạt 3 năm tù cùng mức phạt tiền 300.000 EUR. Hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất sẽ được phân loại là “tội cố ý gây thiệt hại không thể phục hồi cho môi trường”.

Bộ trưởng Tư pháp Dupont-Moretti khẳng định, thông qua bộ luật, nước Pháp muốn “chấm dứt nạn cướp môi trường”.

Còn trên Twitter, Bộ trưởng Pompili tuyên bố: Chúng ta đã vượt qua cột mốc lịch sử trong cuộc đi tìm công lý vì môi trường. Bà Pompili nhấn mạnh: “Sẽ không ai có thể thoát tội. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ để mọi người tôn trọng luật môi trường”.

Bà cho biết thêm, các nhà lập pháp cũng sẽ thiết lập một “cơ chế phục hồi” để khôi phục môi trường. Bởi, thiệt hại đối với môi trường không chỉ được “ngăn chặn và trừng phạt”, mà còn phải được “phục hồi”.

Bộ trưởng Môi trường Pháp tin rằng, một khi các biện pháp trừng phạt được củng cố sẽ giúp giải quyết triệt để những vụ việc cố ý gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai nghiêm trọng và kéo dài.

Trước đó, Quốc hội Pháp đã thông qua việc hủy các chuyến bay nội địa chặng ngắn nhằm giảm khí thải. Đồng thời bỏ phiếu xóa bỏ các ưu đãi thuế đối với việc sử dụng dầu cọ làm nhiên liệu sinh học..., bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng, dầu cọ thúc đẩy nạn phá rừng. Khai thác quá đà cũng góp phần phá hủy môi trường sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, như loài đười ươi.

Một năm trước, Pháp lập ủy ban gồm 150 thành viên, đề ra Công ước môi trường công dân. Công ước đã đệ trình 149 đề xuất cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên Tổng thống Emmanuel Macron, 146 đề xuất được ông Macron hứa chuyển thành chính sách của chính phủ.

Những động thái liên tiếp của Pháp cho thấy quyết tâm củng cố sức mạnh cho các biện pháp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mang lại môi trường sống lành mạnh cho người dân của quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục