Hệ thống ngân hàng đầu tư trên thế giới trong nhiều thập niên được xem là chìa khóa mang lại sự giàu có cho nhiều người, nhưng giờ đây do suy thoái kinh tế, việc sa thải nhân viên trở thành làn sóng khi hàng chục ngàn người bị thất nghiệp.
Gà đã thôi đẻ trứng vàng
Khi gần hết năm 2012, trung tâm tài chính London của Anh chứng kiến 2 vụ tự tử gây chấn động. Một nữ doanh nhân cùng một giám đốc ngân hàng lên nhà hàng Coq d’Argent trên một tòa nhà cao tầng ở phố tài chính London nhảy lầu tự tử. Hai vụ tự tử này được xem là điển hình cho tâm lý thất vọng bao trùm khắp trung tâm tài chính London. Cũng trong thời gian gần đây, các bệnh viện ở London cho biết, số ca tai nạn do say rượu tăng cao với người vi phạm đa số làm trong ngành tài chính ngân hàng. Năm 2012, các ngân hàng ở London bắt đầu thu hẹp quy mô các hoạt động đầu tư. Nhiều năm trước đó, họ được xem là con gà đẻ trứng vàng cũng như mang lại thành đạt, làm tăng thu nhập của hàng chục ngàn người.
Ngày 30-10-2012 có lẽ là ngày khủng khiếp nhất với nhiều người ở trung tâm tài chính London khi Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ thông báo cắt giảm 10.000 công việc. Chỉ trong một buổi sáng, chi nhánh của UBS ở London sa thải nhiều quản lý, trong đó có một người đàn ông 51 tuổi. Đối với ông và nhiều người như ông, cơ hội tìm việc rất mong manh. Không chỉ UBS, đại gia Morgan Stanley cũng lên kế hoạch sa thải 1.600 nhân viên, Lloyds cắt giảm 15.000 việc làm trên toàn cầu và Deutsche Bank cắt giảm 1.500 việc làm ở bộ phận đầu tư.
Một thời đại có vẻ đã đến hồi kết thúc, thời đại của một ngành công nghiệp làm cho chúng ta tin rằng các ngân hàng đầu tư làm những công việc hữu ích. Trong thực tế không phải vậy. Nhiều khoản đầu tư được “lót túi” mà không cần biết hiệu quả của nó cũng như được thực hiện thông qua các giao dịch liều lĩnh hơn với các sản phẩm cho vay khó thu hồi. Thiệt hại của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, ước tính hàng ngàn tỷ USD được xem là cái giá của sự tăng trưởng tín dụng quá mức.
Trong những năm làm ăn thiếu minh bạch, bảng cân đối kế toán của Ngân hàng UBS thổi phồng mức bảo hiểm rủi ro giao dịch lên tới 560 tỷ franc Thụy Sĩ (450 tỷ EUR). Có người ví von rằng việc hạn chế các danh mục đầu tư của các ngân hàng sẽ không dễ dàng, kiểu như đóng cửa một nhà máy điện hạt nhân.
Cần tổ chức lại
Giờ đây, khi các ông chủ ngân hàng đầu tư tìm cơ hội mới, họ trở nên khiêm tốn hơn so với thói cao ngạo thường có trước đây. Antony Jenkins, giám đốc điều hành (CEO) mới của một chi nhánh Ngân hàng Barclays nói: “Điều quan trọng phải cải cách cơ chế hoạt động”. Anshu Jain, đồng CEO của Deutsche Bank, cựu giám đốc chi nhánh đầu tư của ngân hàng này cam kết sẽ “thay đổi văn hóa”. Hầu hết giới ngân hàng ở Frankfurt, London và New York thừa nhận rằng “thời hoàng kim của ngân hàng đã chấm dứt”.
Tạp chí Spiegel của Đức đã trò chuyện với Rudolf Woštzel, cựu Giám đốc của M Lehman Brothers. Woštzel rời bỏ công việc ngân hàng trong năm 2007, giờ đây, ông đang điều hành một nhà nghỉ dành cho người leo núi ở Thụy Sĩ. Khác với trang phục chỉnh tề khi còn làm ngân hàng, giờ đây ông để tóc dài, mặc quần jean và áo sơ mi đen kẻ sọc trắng. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn tách ra khỏi thế giới cũ của mình. “Tôi đang trên đường vào thung lũng một lần nữa”, ông Woštzel tiết lộ kế hoạch trở lại ngành ngân hàng. Woštzel tin rằng tâm lý “độc canh” đã ăn sâu trong ngành công nghiệp ngân hàng, bắt đầu với phương pháp tuyển dụng đến các khâu làm ăn với doanh nghiệp. Họ tuyển dụng những người tài năng nhất ở các trường đại học để đưa ra các chính sách tốt nhất cho các ngân hàng. Nhưng những cái đầu tài năng ấy lại sinh ra những chiêu thức đáng sợ. Những ngân hàng nào có chương trình khuyến mại lớn nhất và các chương trình cho vay ưu đãi nhất, kể cả phương pháp “đi đêm” với chính trị gia được xem là thành công.
Một số người vẫn còn trong ngành ngân hàng nói rằng Woštzel là kẻ thua cuộc vì không thể chịu đựng áp lực của ngành. Tuy nhiên, theo ông Woštzel, chính nhờ những khách hàng “hào phóng” thông qua những khoản vay lãi suất cao (dĩ nhiên là hoa hồng cao cho môi giới) mới là người mang lại lợi nhuận cho các ông chủ ngân hàng. Trong đó khi động lực nội tại của họ không thực sự mạnh. Chính vì vậy, theo Woštzel, thế giới sống trên các khoản tiền vay cắt cổ nhưng không hề hay biết. Cuối cùng, do suy thoái kinh tế, chính hệ thống ngân hàng là nơi đầu tiên gánh chịu tổn thất.
Theo Woštzel: “Không phải tất cả mọi thứ về ngân hàng đầu tư là xấu”. “Tuy nhiên, ngành công nghiệp cần thay đổi cơ bản và công khai thể hiện vai trò kinh tế - xã hội thông qua cách tự phê bình mang tính xây dựng”, ông nói.
Vụ việc thao túng lãi suất liên ngân hàng châu Âu (LIBOR) ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính trị giá hàng trăm ngàn tỷ USD. Thậm chí nhiều ngân hàng đẩy tài sản rủi ro về khách hàng và tham gia cả việc rửa tiền và gian lận thuế. Thương nhân như Kweku Adoboli (Ngân hàng UBS), Jérôme Kerviel (Société Générale) và Bruno Iksil (JPMorgan Chase) đã thu về hàng tỷ USD thông qua các giao dịch rủi ro cho riêng mình hay cùng với các ê kíp của họ.
Cựu Tổng thống Đức Horst Košhler đã từng mô tả thị trường tài chính như một con quái vật kiểm soát của các ngân hàng đầu tư. Từ năm 2008, các chính trị gia đã cố gắng để chế ngự con quái vật và nắm quyền kiểm soát. Ví dụ, họ muốn các ngân hàng dành thêm vốn để dự trù cho các giao dịch rủi ro trong tương lai, điều đó có nghĩa là có nhiều ngân hàng sẽ khó có lợi nhuận nữa nên ngân hàng không chấp nhận. Mỹ và nhiều nước trên thế giới gần đây cũng đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn với hệ thống ngân hàng và tài chính, trong đó quy định sát sườn về tiền thưởng.
Cũng chính vì lý do này, hoạt động ngân hàng bắt đầu giảm lợi nhuận và dẫn đến việc sa thải hàng loạt. Nhiều ngân hàng nhỏ và vừa sẽ biến mất hoàn toàn. Theo Roland Berger, một công ty tư vấn quản lý Đức, hệ thống ngân hàng đầu tư thế giới nếu muốn hồi sinh phải cắt giảm ít nhất thêm 25.000 việc làm trong những năm tới. Xu hướng cơ bản là họ phải hỗ trợ hoạt động sản xuất chứ không phải đổ tiền vào chứng khoán hay bất động sản. JPMorgan thay vì tập trung vào các khoản cho vay rủi ro nay đang tham gia nhiều hơn vào thị trường hàng hóa.
THỤY VŨ (tổng hợp)