Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vừa hoàn thành bản báo cáo đặc biệt về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân với tên gọi “Vươn tới tầm cao mới”.
Tăng mạnh về số lượng
Theo các tác giả báo cáo này, trong 10 năm qua, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu tập trung vào tăng trưởng về mặt số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Chỉ tính riêng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm từ 2000-2002 cộng lại đã vượt qua tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong 10 năm trước đó.
Một hệ số quan trọng được các nhà nghiên cứu quan tâm là ICOR (số đơn vị đầu tư tính theo phần trăm GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP). Hệ số này cho thấy khu vực tư nhân đang có hiệu quả đầu tư cao nhất. Cụ thể, năm 2001, để tạo ra 1 đơn vị giá trị GDP, doanh nghiệp tư nhân cần 2,63 đơn vị đầu tư; trong khi doanh nghiệp Nhà nước cần tới 7,42 đơn vị và đầu tư nước ngoài cần 6,29 đơn vị. Năm 2007, hệ số ICOR của khu vực tư nhân tăng lên 3,74, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 8,28 và 4,99 lần lượt của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài. Nếu tính chỉ số doanh thu/tổng tài sản và lợi nhuận trên tài sản, khu vực tư nhân luôn tạo ra nhiều doanh thu hơn với cùng một giá trị tài sản. Cụ thể, với doanh nghiệp tư nhân, 1 tỷ đồng tài sản tạo ra được 1,18 tỷ đồng doanh thu, doanh nghiệp Nhà nước chỉ tạo ra được 0,80 tỷ đồng và khối đầu tư nước ngoài tạo ra 0,89 tỷ đồng.
Nhưng nếu chỉ dừng ở những con số này thì hình dung về khu vực kinh tế tư nhân chưa chính xác. Theo thống kê, các chỉ số liên quan đến lợi nhuận của khu vực tư nhân kém hơn nhiều so với hai khu vực còn lại. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của khu vực tư nhân vào năm 2008 chỉ đạt 3,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất ngân hàng…
Lẹt đẹt ở quy mô nhỏ
Tuy cũng có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng khai giảm thu nhập của mình, trong khi các doanh nghiệp nhà nước lại có xu hướng “phô trương thanh thế”, nhưng kể cả khi đã trừ hao thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp của khối doanh nghiệp này vẫn là một thực tế. Tỷ suất lợi nhuận thấp có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường “không kèn không trống” và con số doanh nghiệp đăng ký mới không nói lên được gì nhiều. Và như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân mãi lẹt đẹt ở tốp quy mô nhỏ mà không thể chuyển hạng lên vừa hoặc lớn; không thể mở rộng quy mô, nâng cấp công nghệ, đầu tư vào con người, cải tiến sản phẩm… và lợi nhuận tiếp tục thấp!
Điều này có thể do một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, tức lợi nhuận âm hoặc đang hoạt động ở mức hòa vốn. Chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp tư nhân cao hơn so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác do họ không được hưởng những ưu đãi về đất đai, tín dụng. Khả năng tiếp cận các thương quyền, cơ hội kinh doanh và tham gia vào những những ngành có lợi nhuận cao (như viễn thông), hoặc tham gia vào các hoạt động cung ứng cho các hợp đồng mua sắm của khu vực công. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ, tính liên kết thấp, trình độ công nghệ thường kém hơn do mức độ vốn thấp, ở khối doanh nghiệp tư nhân thường xảy ra tình trạng thâm dụng lao động.
Bản báo cáo cũng thừa nhận, nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ của nhà nước chưa đến được với khối tư nhân. Trong khi được đầu tư rất lớn (theo kế hoạch năm 2011, vốn ngân sách rót cho 5 tập đoàn, tổng công ty 91 khoảng 5.180 tỷ đồng, tăng thêm 235 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2010), mức độ “liên kết, lan tỏa” của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân không được như mong đợi. Theo điều tra năm 2009 của VCCI, chỉ có 15% doanh nghiệp tư nhân có quan hệ hợp tác, làm ăn với các doanh nghiệp Nhà nước. Ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - vốn được hưởng khá nhiều ưu đãi trong một thời gian dài - cũng không giúp hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân phát triển được là bao. Chỉ có chưa tới 7% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp FDI (theo kết quả điều tra gần 10.000 doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam).
Để thực sự vươn đến tầm cao mới một cách bền vững, bên cạnh nỗ lực tự thân của khối doanh nghiệp tư nhân, rõ ràng hệ thống chính sách cũng như giải pháp thực thi của các cơ quan nhà nước cần có sự điều chỉnh nhất định.
Bảo Vân