Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT-TMC) Việt Nam xác định dạy nghề và tạo việc làm giúp người khuyết tật (NKT) là một trong 6 chương trình trọng tâm.
Từ năm 2010 đến nay, hội triển khai mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm giúp NKT tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo chương trình của Bộ LĐTB-XH) với nhiều hình thức linh hoạt như dạy nghề tại xưởng sản xuất, truyền nghề từng nhóm, ngay tại gia đình theo kiểu cầm tay chỉ việc, vừa học vừa làm...
Học viên người khuyết tật học nghề vẽ tranh tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi (thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM).
5 năm qua, hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức dạy nghề cho 8.530 NKT, trong đó 80% có việc làm, riêng một số tỉnh như Vĩnh Long, Thái Bình tỷ lệ NKT có việc làm ổn định đạt 100%. Một số nơi còn giúp NKT phương tiện tự tạo việc làm, như cấp xe lăn, xe lắc đi bán vé số, cấp vốn để buôn bán nhỏ, làm thủ công, chăn nuôi tại gia đình... Cùng với các chương trình chung mang tính thiết thực, đã tạo thêm cơ hội giúp nhiều NKT, trẻ mồ côi, người nghèo trong cả nước tự tin và sống tốt hơn trước.
Theo kế hoạch chung của Bộ LĐTB-XH giai đoạn 2015 - 2020, triển khai chỉ tiêu dạy nghề và việc làm 455.000 NKT. Trong đó, Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam phấn đấu dạy nghề 8.000 NKT, riêng năm 2015 là 1.500 người và thí điểm mô hình dạy nghề và việc làm NKT tại cấp huyện gắn với cơ sở sản xuất kinh doanh.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe, tài trợ mổ tim bẩm sinh, mổ mắt giúp người nghèo, NKT, TMC cũng được các cấp hội triển khai.
Tại Quảng Nam, Hội Bảo trợ NKT, TMC-BNN tỉnh đã trích trên 4 tỷ đồng (trong tổng số 6,8 tỷ đồng vận động được năm 2014) để ưu tiên tổ chức mổ tim miễn phí, cấp thẻ BHYT, cung cấp nước sạch giúp NKT, TMC và bệnh nhân nghèo. Toàn tỉnh còn hàng trăm người nghèo bị bệnh tim, trong đó nhiều bé từ 1 tuổi bị tim bẩm sinh, đến nay vì nhà quá nghèo nên chưa được điều trị. Do đó, hội tập trung vận động các nhà hảo tâm chung tay khẩn trương cứu giúp trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh, không để cháu nào chết do sự chậm trễ lo chi phí. Nhờ vậy những năm qua, đã có hàng trăm trẻ bị tim bẩm sinh được khám tầm soát, hàng chục trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật.
Riêng năm 2014, tỉnh hội đã vận động chi phí trên 3,6 tỷ đồng (Quỹ Vinacapital, chương trình Fedex - đem nhịp đập đến trái tim, Suntory Pepsico VN, Ô tô Trường Hải,...) để mổ miễn phí 83 trẻ bị tim bẩm sinh. Đồng thời, còn giúp khám bệnh và phát thuốc miễn phí 2.153 người, mổ hệ vận động và chỉnh hình phục hồi chức năng 10 người NKT, riêng cấp thẻ BHYT 2.000 người bệnh nghèo do Bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life tài trợ.
Tại An Giang, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh đã và đang triển khai hiệu quả chương trình mổ, thay thủy tinh thể giúp người mù nghèo, ngay khi UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống mù lòa từ đầu năm 2012. Hiện nay, toàn tỉnh còn trên 8.000 người bị đục thủy tinh thể, trong đó có khoảng 4.000 người nghèo. Ba năm qua đã có 5.614 lượt người mù nghèo, riêng năm 2014 có 2.876 người, đã nhìn thấy ánh sáng sau khi được mổ hoặc thay thủy tinh thể miễn phí.
ĐOÀN ĐẠT