Chậm nhất đến tháng 7-2012 - Đề xuất thu phí phương tiện giao thông

Tại cuộc họp báo trưa 5-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đã cơ bản hoàn thành dự thảo cuối cùng Quỹ bảo trì đường bộ để trình Thủ tướng, với 2 phương án. Trong đó phương án 1 là thu trực tiếp qua đầu phương tiện cơ giới, bao gồm ô tô, mô tô và xe máy.

(SGGP). – Tại cuộc họp báo trưa 5-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đã cơ bản hoàn thành dự thảo cuối cùng Quỹ bảo trì đường bộ để trình Thủ tướng, với 2 phương án. Trong đó phương án 1 là thu trực tiếp qua đầu phương tiện cơ giới, bao gồm ô tô, mô tô và xe máy.

Hình thức thực hiện là thu hàng tháng và chia theo nhóm phương tiện. Mức thu với ô tô được chia làm 7 nhóm, trong đó thấp nhất là 180.000 đồng/tháng và cao nhất 1.440.000 đồng/tháng; mức thu đối với mô tô và xe máy được chia làm 4 nhóm: thấp nhất là 80.000 đồng/năm, cao nhất 150.000 đồng/năm.

Phương án 2 là thu trực tiếp trên đầu ô tô (không thu phí đối với mô tô, xe gắn máy) và thu gián tiếp qua giá xăng. Cụ thể, mức thu trực tiếp trên đầu ô tô sử dụng xăng được chia làm 7 nhóm như phương án 1. Mức thu trực tiếp trên đầu xe ô tô sử dụng diesel cao gấp 1,5 lần so với phương tiện có cùng nhóm tải trọng. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn phương án 1 do nhận được sự đồng tình của các bộ ngành nhiều hơn. Nếu được phê duyệt, việc thu phí phương tiện sẽ được thực hiện ngay từ đầu năm 2012, hay chậm nhất là tháng 7-2012.

Cũng tại cuộc họp báo do Bộ GTVT tổ chức ngày 5-10, trả lời câu hỏi về việc hoạt động của các cảng hàng không (CHK), ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết hiện các CHK địa phương đều bị lỗ vì tần suất bay thấp và phí phục vụ thấp hơn chi phí thực tế. Cụ thể, ngoài CHK Nội Bài, hàng năm Tổng Công ty Hàng không miền Bắc phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho 5 CHK địa phương thuộc phạm vi quản lý của mình là Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Cát Bi (Hải Phòng), Nà Sản (Sơn La), Điện Biên.

Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của các CHK này chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu chính trị xã hội, an ninh quốc phòng theo định hướng của Chính phủ. Về việc hàng loạt địa phương đề xuất xây dựng CHK khiến dư luận xôn xao vừa qua, ông Phạm Quý Tiêu cho rằng việc xây dựng các CHK nằm trong quy hoạch CHK đến năm 2020 tầm nhìn 2030, theo đó, đến năm 2020 cả nước sẽ có 26 CHK (hiện đang khai thác 22 CHK). Con số này không phải là lớn nếu so tỷ lệ sân bay trên tổng diện tích với các nước trong khu vực. Ví dụ, cùng diện tích trên dưới 330.000 km², Malaysia có 37 sân bay, Philippines có 47 sân bay… Nhà nước chỉ đầu tư chính những sân bay quan trọng còn những sân bay nhỏ, địa phương tự tìm các nhà đầu tư.

Về việc đề xuất nới giá trần vé máy bay, Bộ trưởng GTVT ủy quyền cho Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu trả lời. Đó cũng là vấn đề: Giá vé máy bay tăng: Quay lại thời “độc quyền”? mà SGGP đã đặt ra từ số báo đăng 4-10. 

B.QUYÊN

Tin cùng chuyên mục