Chăm sóc người cao tuổi là một trong những lựa chọn phổ biến của những người nhập cư Australia. Những người làm nghề này có nhiệm vụ giúp đỡ thực hiện những công việc trong gia đình, hỗ trợ về mặt tinh thần, chăm sóc và giúp đỡ người già trong chính gia đình của họ.
Chăm sóc người già ở Australia (ảnh có tính chất minh họa)
Chị Thư Nguyễn sang Sydney, Australia, gần 10 năm sau khi lăn lộn với nhiều nghề đã theo học khóa học chăm sóc người già. Có nhiều khóa chăm sóc tùy theo tính chất công việc, người ta chia ra nhiều cấp độ. Ở cấp độ sơ và trung, thời gian học từ 3 đến 6 tháng, các cấp còn lại có thời gian học dài hơn nhưng không quá 2 năm. Ở cấp độ cao cấp, nhân viên làm việc như y tá riêng cho người già. Các trung tâm đào tạo nhân viên chăm sóc người già do nhà nước quản lý và nhân viên chăm sóc được nhà nước trả lương. Chị Thư Nguyễn cho biết mỗi ngày chị chăm sóc khoảng từ 3 đến 4 cụ với thời gian 2 giờ mỗi cụ. Chị tới nhà từng người chăm sóc, chuyện trò, cho ăn, giúp uống thuốc, thậm chí dẫn các cụ đi chơi, có khi dẫn tới phòng mạch bác sĩ khám bệnh hoặc đi mua sắm. Những người Việt nếu biết thêm tiếng Anh thì có thể chăm sóc cả người bản xứ còn nếu không chỉ chăm sóc người Việt hoặc với những người nhập cư các nước khác khi không biết tiếng Anh có thể chọn người gốc nước ấy để chăm sóc. Nhìn chung, những người có bằng cấp và tiếng Anh tốt sẽ có mức thu nhập cao hơn và cũng dễ dàng hơn trong việc xin tăng lương. Chị cho biết lúc đầu khá bỡ ngỡ với công việc, nhất là với những cụ trái tính, trái nết do tuổi cao hay bệnh tật nhưng dần dà chị cũng quen và đã dành tình yêu cho các cụ như chính người thân. Ngoài tình yêu, theo chị, cũng như bao công việc khác cần sự nhẫn nại, “nhất là với những cụ bị bệnh mất trí nhớ thì phải chịu khó chiều người ta. Với cụ nào còn khỏe thì người ta thích đi đâu mình dẫn đi đó”, chị Thư Nguyễn nói. Theo chị Thư Nguyễn, chăm sóc người cao tuổi ở nhà riêng của họ dù sao cũng đỡ cực hơn so với nhân viên chuyên chăm sóc người già ở các nhà dưỡng lão vì nơi đó, đòi hỏi chuyên môn cao hơn với công việc toàn thời gian. Theo thống kê tại Australia, số lao động làm việc toàn thời gian trong ngành này chiếm tỷ lệ tương đối thấp, 36,2% với thời gian làm việc trung bình 38,4 giờ/tuần với mức lương khoảng 700AUD/tuần (15 triệu VNĐ).
Khi tôi điện thoại trò chuyện với chị cũng chính là lúc chị chuẩn bị đưa các cụ đi dã ngoại cuối tuần. Vào mỗi cuối tuần, các nhân viên chăm sóc cùng các cụ được xe của Chính phủ Australia tập hợp lại đưa đi dã ngoại. Đây là buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời rất bổ ích đối với các cụ. Gắn bó với các cụ lâu dài, chị Thư Nguyễn tâm niệm: Điều quan trọng không kém nếu muốn duy trì công việc lâu dài thì phải biết ý các cụ nhưng cũng phải cương quyết từ chối những yêu cầu phi lý. Có như vậy, gia đình các cụ mới có thể hài lòng. Bằng không, họ có thể phản ánh với các cơ quan công quyền và khi đó, người chăm sóc dễ dàng mất việc. Theo thống kê của Chính phủ Australia, trung bình hàng năm có khoảng 15% lực lượng lao động trong ngành chăm sóc người cao tuổi rời bỏ công việc.
LÂM VIÊN