1. Thế là Liên đoàn điền kinh TPHCM đã quyết định hủy giải điền kinh quốc tế TPHCM 2007 với lý do đường chạy điền kinh của sân Thống Nhất vẫn chưa hoàn thành.

Giải điền kinh quốc tế TPHCM năm ngoái đã giáng cấp xuống thành giảiTPHCM mở rộng khi hầu hết là các VĐV trong nước so kè với nhau. Ảnh: Dũng Phương
Chuyện về cái đường chạy điền kinh của sân Thống Nhất là một câu chuyện dài kỳ kèm thêm nhiều tập, và câu chuyện ấy được dư luận báo chí “kể” ngay từ đầu năm 2006, khi nó đang chuẩn bị khởi công nhằm phục vụ cho môn điền kinh của Đại hội TDTT toàn quốc lần 5-2006. Thế rồi vì cái thủ tục và trăm thứ “hằm bà lằn” khác mà khi Đại hội thể thao toàn quốc trôi qua, cái mặt sân ấy vẫn chưa được tiến hành nâng cấp.
Vì thế lần ấy, giải điền kinh quốc tế TPHCM 2006 đã phải dời lên tổ chức trên một cái đồi lộng gió tại Trung tâm HLTTQG 2, còn đơn vị đăng cai vòng chung kết Đại hội TDTT toàn quốc lần 5 là TPHCM đã phải muối mặt xin lỗi BTC trung ương và nhìn môn thể thao nữ hoàng được dời ra thi đấu tại Đà Nẵng.
Đến nay, hơn 1 năm trôi qua, cái đường chạy ấy vẫn đang được thi công tà tà. Cách đây hơn 2 tháng, khi chúng tôi ghé thăm, đơn vị thi công và những người có trách nhiệm đổ cho mùa mưa gió nên khó cho việc trải nhựa tổng hợp của mặt sân. Kể ra, việc “đổ thừa” ấy cũng hay bởi mùa này Sài Gòn đang là mùa mưa, và trên đời không kiếm được ai có tài xua gió đuổi mưa như Tôn Ngô Không, nên việc thi công cứ thế mà từ từ bởi “ngoài kia mưa cứ đang rơi rơi”.
Chuyện cái đường chạy ấy, nói mãi riết... chán!
2. Chán cái đường chạy, giờ chuyển sang “kể” về cái giải điền kinh quốc tế của TPHCM vừa được thông báo hủy bỏ.
Nếu năm nay được tổ chức thì giải lần này sẽ bước vào tuổi 15, tính ra, đây cũng là một giải điền kinh có thâm niên trong hệ thống thi đấu điền kinh quốc gia. Tuy nhiên, tính “quốc tế” – tiêu chí ban đầu của giải càng lúc càng nhạt và mất dần. Thậm chí giải lần thứ 14 diễn ra năm ngoái, chỉ có duy nhất đội Hàn Quốc đến góp mặt theo kiểu... nể mặt, và cũng năm ấy, giải đã phải giáng cấp xuống thành “giải TPHCM mở rộng” chứ không còn dám để là “giải quốc tế” nữa vì sợ bị... chửi.
Chuyện cái giải điền kinh quốc tế càng lúc càng mất chất ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là chuyện tiền. Những năm đầu, giải được rất nhiều nhà tài trợ lưu tâm và đổ tiền vào, và các đoàn quốc tế cũng khá háo hức để đổ quân sang tham dự. Tuy nhiên, tiền nhiều, VĐV thứ xịn nhưng khi đoạt thành tích thì lại toàn nhận những giải thưởng “đểu” và rẻ tiền như cái áo thun in tên nhà tài trợ, hay cái thùng nho nhỏ đựng nước đá... khiến mọi người không khỏi thất vọng. Chính vì những “tiểu tiết” ấy đã khiến những nhà tài trợ không hài lòng, bởi tiền đổ vào nhiều nhưng chẳng biết đi đâu nên dần rút lui. Giải vì thế ngày càng đuối dần.
Và năm nay, sau một thời gian dời đi, dời lại vì cái đường chạy điền kinh chưa xong. Sau đó là đổ cho vì “cận giải điền kinh vô địch quốc gia”, rồi thêm một lý do nữa là giải quốc tế TPHCM trùng với giải điền kinh quốc tế tại Thái Lan (từ ngày 3 đến 10-10) thu hút rất đông các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam tham dự, càng khiến người ta cám cảnh rồi chợt hỏi: Giải đấu tại Thái Lan có uy tín và thu hút đông đảo VĐV tham dự như thế, sao giải quốc tế đã sắp 15 tuổi như của TPHCM lại ngày càng “chết” dần?
Trong khi nhiều người biết chuyện trong làng điền kinh lại cười khẩy theo kiểu: có được những lý do “chính đáng” để hủy giải làm những người tổ chức đang “mừng muốn chết vì... thoát nợ”, bởi nếu cái đường chạy điền kinh của sân Thống Nhất mà hoàn thành sớm thì lấy đâu ra tiền tổ chức và lấy đâu ra người, đặc biệt là các VĐV quốc tế để thi đấu. Vậy “không mừng... muốn chết” thì là gì...
Nghe xong, lại chán thêm một lần nữa.
Đỗ Tuấn