Chấn chỉnh chất lượng để ổn định thị trường

Chấn chỉnh chất lượng để ổn định thị trường

Phản hồi loạt bài “Bát nháo thị trường vàng trang sức”

Báo SGGP ra ngày 26 và 27-12-2013 đã đăng tải loạt bài “Bát nháo thị trường vàng trang sức”. Nhằm chấn chỉnh chất lượng vàng trang sức cũng như góp phần phát triển thị trường vàng nữ trang Việt Nam,  một số nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đã lên tiếng.

Hoạt động kinh doanh tại Trung tâm thương mại An Đông. Ảnh: QUANG KHOA

Hoạt động kinh doanh tại Trung tâm thương mại An Đông. Ảnh: QUANG KHOA

  • Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam: Tách bạch 2 thị trường vàng

Thị trường vàng thời gian qua còn nhiều tồn tại là do thiếu cơ chế chính sách để tách bạch, rạch ròi giữa thị trường vàng trang sức mỹ nghệ và vàng miếng. Thực tế nhiều DN kinh doanh vàng trang sức đã lợi dụng chính sách vay vốn để kinh doanh vàng trang sức nhưng thực chất là kinh doanh vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu  “núp bóng” vàng trang sức dưới những món trang sức (hình dáng như “hòn non bộ”) để trốn thuế nên buộc NHNN phải siết chặt nguồn vốn.

Để chấn chỉnh thị trường vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/CP để quản lý thị trường này. Mới đây, Bộ  KH-CN đã ban hành Thông tư 22 về quản lý chất lượng vàng nữ trang, là một bước tiến nhằm tách bạch thị trường trang sức mỹ nghệ và vàng miếng để chấn chỉnh những bất cập trên. Tuy vậy, Thông tư 22 vẫn còn một số điểm lấn cấn và chưa đề cập đến vàng nữ trang 4 số 9 hiện vẫn đang có mặt trên thị trường hiện nay. NHNN đã làm việc với Bộ KH-CN về việc này và lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết sẽ bổ sung và có những quy định cụ thể trong thời gian tới.

Liên quan đến việc vay vốn của các DN kinh doanh trang sức, trước mắt, NHNN sẽ yêu cầu các NHTM khảo sát để cho những DN kinh doanh vàng nữ trang có đủ điều kiện vay. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang làm việc với Bộ Tài chính để có mức thuế phù hợp đối với mặt hàng trang sức khi xuất khẩu, tạo điều kiện cho ngành nữ trang mỹ nghệ phát triển ra thị trường thế giới.

  • Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Kiến nghị cho DN kinh doanh vàng vay vốn

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 3.100 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ với hơn 30.000 lao động. Sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường hàng tiêu dùng trong và ngoài nước; góp phần tích cực cho sự phát triển của TP, giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay các DN hoạt động trong lĩnh vực này đều có nhu cầu vay vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị và mua vàng nguyên liệu hoặc nhập khẩu vàng để sản xuất. Tuy nhiên, theo quy định của NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng. Với chính sách này DN sẽ mất nhiều thời gian về thủ tục hành chính và không làm chủ được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. UBND TP đã kiến nghị NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được chủ động, xem xét việc cho các DN trong ngành này vay vốn để mua vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, góp phần phát triển thị trường vàng nữ trang của TP nói riêng và cả nước nói chung.

  • Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ: Phải chế tác sản phẩm đúng chuẩn

Mặc dù thị trường vàng trang sức Việt Nam đã có những chuỗi hiệu kinh doanh trang sức rộng khắp, nhưng đặc điểm của ngành sản xuất và phân phối hàng trang sức Việt Nam là phân tán và manh mún, tự phát nên chất lượng sản phẩm khó kiểm soát, tạo nên thế cạnh tranh không lành mạnh, quyền lợi người tiêu dùng không được bảo đảm. Để thị trường vàng nữ trang Việt Nam phát triển ngày một lành mạnh, tôi cũng kỳ vọng rằng sau khi Thông tư 22 của Bộ KH-CN có hiệu lực sẽ góp phần chấn chỉnh sự bát nháo của thị trường. Việc này sẽ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thương hiệu nữ trang Việt Nam sẽ không còn bị đánh giá kém chất lượng khi vươn ra thị trường quốc tế. Chuẩn bị đón nhận chính sách mới này, những DN kinh doanh có uy tín không có gì phải lo vì họ luôn sản xuất những sản phẩm đúng chất lượng. Tuy nhiên, những DN trước nay kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì” cần phải chấn chỉnh ngay từ bây giờ. Vòng quay của sản phẩm vàng nữ trang trên thị trường bình quân 3 vòng/năm, tức khoảng 4 tháng sẽ tiêu thụ hết. Để chuẩn hóa chất lượng quy định của Thông tư 22 có hiệu lực vào tháng 6-2014, các DN phải chế tác những sản phẩm nữ trang đúng chuẩn ngay từ bây giờ.

  • TS Quách Thu Nguyệt, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED): Cần lấy lòng tin của các “bà nội trợ”

Các “bà nội trợ” hiện nay là những chị em “giữ tay hòm chìa khóa” ở mỗi gia đình vẫn có tâm lý chung xem vàng là của để dành, là hàng hóa tiền tệ thuận tiện trong quan hệ giao dịch mua bán, trao đổi khi cần. Chính vì thế, để thị trường vàng nữ trang phát triển thì các cơ quan quản lý và DN làm sao để có được chữ tín trong lòng những bà nội trợ Việt Nam, bởi chính những đối tượng này chứ không ai khác sẽ làm tăng doanh thu cho sản phẩm vàng trang sức của Việt Nam. Chính thói quen mua sắm vàng trang sức của họ sẽ là tác nhân kích thích sự sáng tạo của vàng trang sức, từ đó khả năng chinh phục và cạnh tranh vàng trang sức thế giới sẽ trong tầm tay. 

Tuổi vàng trang sức hiện nay trên thị trường đang bị bỏ ngỏ, chưa có cơ quan nào quản lý và kiểm tra, hay nói đúng hơn không thể quản và kiểm tra được. Vậy nên khi chúng ta đang kêu gọi và tìm ra giải pháp phát triển thị trường vàng trang sức để hội nhập thì trước tiên phải tạo dựng lòng tin nơi thị trường vàng nội địa. Để tạo được lòng tin này, điều quan trọng nhất phải chuẩn hóa chất lượng và trọng lượng vàng. Làm sao để một chiếc nhẫn vàng 14K ở cửa hàng A khi mang bán cho cửa hàng B thì trọng lượng và tuổi vàng không bị đánh giá thấp hơn và người mua không bị ép giá.

  • Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM: Cần sự đồng thuận của cả xã hội

TPHCM tập trung nhiều DN, hộ cá thể sản xuất vàng trang sức cung ứng và gia công, sản xuất sản phẩm trang sức TP và cả nước. Chính tiềm năng này đã cung cấp cho thị trường những sản phẩm trang sức phong phú, đa dạng và mẫu mã, góp phần đáp ứng nhu cầu làm đẹp về trang sức của người tiêu dùng và sự phát triển của kinh tế - xã hội. Hiện nay, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp và điều kiện thỏa mãn nhu cầu làm đẹp tăng lên, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới thì vấn đề thống nhất tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức là một yêu cầu bức thiết để các DN, hộ cá thể vừa tự bảo vệ mình, vừa tự đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, chất lượng vàng trang sức là một vấn đề lớn, đòi hỏi sự đồng thuận cao từ nhà sản xuất, kinh doanh đến cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của xã hội cũng như người tiêu dùng.

NHUNG NGUYỄN - PHƯƠNG HÀ

- Bài 2: Chấn chỉnh chất lượng

Tin cùng chuyên mục