(SGGP).- Ngày 11-2, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để chấn chỉnh các doanh nghiệp cố tình chây ỳ giảm giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm sâu, tháng 11-2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác liên ngành tài chính và giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện quản lý giá cước, đánh giá tác động giá xăng dầu đến giá cước vận tải tại một số địa phương.
Đánh giá chung về kết quả kiểm tra, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá. Ví dụ như HTX vận tải đường bộ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) vi phạm kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định…
Theo khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, đối với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo sở tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá. Tiếp tục bám sát việc đăng ký giảm giá.
Trao đổi thêm với báo chí, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh thanh tra (Bộ Tài chính), cho biết, qua kiểm tra, cơ quan này đã xác định được chi phí nguyên liệu ảnh hưởng đến giá thành và những doanh nghiệp nào giảm phù hợp, chưa phù hợp. Trong quá trình kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã có động thái tích cực trong việc giảm giá. Chẳng hạn, riêng ở Hà Nội, trong số 16 doanh nghiệp diện kiểm tra thì đã có 10 doanh nghiệp chủ động giảm 500 - 1.000 đồng/km…
Theo ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Trưởng đoàn kiểm tra phía Nam (TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương), các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát việc thực hiện giảm giá. Cùng với đó là có sự công khai để người tiêu dùng có thể phản ánh việc điều chỉnh giá của doanh nghiệp. Cũng để tránh doanh nghiệp “kê khai một đằng làm một nẻo”, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, cơ quan này đã có chỉ đạo với sở địa phương lập và chỉ đạo doanh nghiệp lập đường dây nóng trên các phương tiện vận tải để người tiêu dùng có thể phản ánh việc giá cả cước có phù hợp hay không. Cùng với đó, bộ đã chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra, xử lý những vi phạm liên quan đến việc bán vé bất hợp lý để chấn chỉnh tình trạng này và công khai các đơn vị chưa giảm giá cước theo yêu cầu.
NGỌC QUANG