Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động

Ngày 16-8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - thực trạng và giải pháp”.

Theo số liệu của Bộ LĐTB-XH, trong 10 năm qua, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Hiện nay, các thị trường truyền thống đang tăng cường nhận lao động trở lại, kế hoạch đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 hoàn toàn khả thi. Mỗi năm, lượng kiều hối mà người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 3-4 tỷ USD.

Tuy nhiên, công tác tổ chức và quản lý xuất khẩu lao động hiện nay còn rất nhiều rủi ro, yếu kém. Nổi lên trong đó là tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn (không về nước khi mãn hạn hợp đồng), hoặc phá hợp đồng (bỏ ra ngoài làm việc); tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động, thu phí quá cao, hoạt động môi giới trái phép, đi nước ngoài “chui”… vẫn diễn ra nhức nhối.

Giải pháp là tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, học ngoại ngữ, kiến thức văn hóa bản địa và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nước sở tại của người lao động. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng, chấn chỉnh ngay những mặt tiêu cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc nâng cao năng lực tổ chức và quản lý là hết sức cần thiết để hoạt động xuất khẩu lao động đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục