Chấn chỉnh thị trường vàng nữ trang - “Giờ G” đã điểm

Chấn chỉnh thị trường vàng nữ trang - “Giờ G” đã điểm

Ngày mai 1-6, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN (TT22) của Bộ Khoa học Công nghệ về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường sẽ có hiệu lực thi hành. Thông tư này được đánh giá là cơ sở pháp lý nhằm đưa thị trường vàng trang sức của Việt Nam vào quy củ. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) hiện vẫn còn không ít băn khoăn, lấn cấn trước giờ thực thi TT22.

Chọn vàng trang sức tại một cửa hàng ở quận 5, TPHCM. Ảnh: Hạnh Nhung

Chọn vàng trang sức tại một cửa hàng ở quận 5, TPHCM. Ảnh: Hạnh Nhung

        Rối bời

Lo lắng lớn nhất của các DN kinh doanh vàng nữ trang hiện nay là việc xử lý “hàng tồn kho”, tức những sản phẩm đã sản xuất trước khi ban hành TT 22 (đa số không đủ chuẩn theo quy định mới - PV) và con số này lên đến hàng chục ngàn, thậm chỉ cả trăm ngàn sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Chín, chủ DN vàng K.A. (quận 11, TPHCM) cho biết: “Áp dụng TT 22 từ ngày 1-6 khiến chúng tôi gặp khó vì cửa hàng hiện còn tồn hàng ngàn mẫu nữ trang. Tôi đang rối bời không biết phải xử lý ra sao vì không thể đem hết số nữ trang đó “nấu” lại, như thế DN sẽ phải chịu khoản tốn kém không nhỏ”.

Trên thực tế, thói quen của người tiêu dùng lâu nay là mua đâu bán đó, người nhiều tiền mua vàng trang sức tuổi cao, ít tiền mua vàng thấp tuổi, vừa đảm bảo mất ít tiền chênh lệch vừa tạo mối thân quen kinh doanh của đôi bên. Bây giờ áp dụng chuẩn mới, chắc chắn thói quen đó của người tiêu dùng vẫn còn, trong khi theo quy định thì không chỉ DN mà người tiêu dùng cũng gặp khó.

“Trước đây, vàng trang sức 18K có giá bán khoảng 2.200.000 đồng/chỉ, nay yêu cầu độ tuổi chuẩn xác nên đội giá thành lên 2.700.000 đồng/chỉ. Đó là chưa kể tuổi vàng có được đảm bảo theo quy định?” - ông Chín nói. Theo ông Chín, có nhiều nguyên nhân khiến cho tuổi vàng không đảm bảo vì nó phụ thuộc vào tay nghề của thợ, chất lượng máy móc, thậm chí do yêu cầu của khách hàng.

Chọn mua vàng trang sức tại PNJ Bàn Cờ, quận 3, TPHCM. Ảnh: HUY ANH

Chọn mua vàng trang sức tại PNJ Bàn Cờ, quận 3, TPHCM. Ảnh: HUY ANH

Tương tự, bà Ngô Huệ Lan, chủ tiệm vàng trên đường Bàn Cờ quận 3 chia sẻ, việc áp dụng TT22 góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua nữ trang, nhưng người dân phải bỏ ra số tiền nhiều hơn so với nhu cầu của một món trang sức so với trước đây. Bà Lan cũng cho biết, dù đã bắt đầu sản xuất vàng đúng chuẩn theo quy định mới cách nay hơn 2 tháng, nhưng hiện tiệm vàng vẫn còn tồn cả chục ngàn món nữ trang các loại và chưa biết phải xử lý thế nào.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng bày tỏ sự băn khoăn: Ngay cả những sản phẩm của cửa hàng sản xuất theo quy định TT22 cũng chưa chắc đảm bảo rằng các phương pháp kiểm tra bằng máy kiểm định chất lượng vàng hiện nay đều cho kết quả đồng nhất. Hơn nữa, phương pháp kiểm tra chất lượng vàng bằng phương pháp huỳnh quang tia X- được cho là chuẩn nhất thì cũng chỉ có tác dụng đối với vàng 21K (hàm lượng vàng 88%) trở lên, còn vàng dưới 21K sẽ cho ra kết quả không chuẩn xác.

Trong khi đó, có một nghịch lý là trên thị trường hiện nay, khoảng 90% vàng nữ trang dưới 18K đang lưu hành nên xem ra việc kiểm định chất lượng vàng vẫn còn là câu chuyện dài.

        Cần thêm thời gian

Hiện nhiều ý kiến cho rằng, với độ trễ để áp dụng TT22 vào khoảng 8 tháng (TT22 ban hành ngày 26-9-2013) là chưa đủ thời gian để các DN xoay xở. Bởi lẽ, không chỉ DN nhỏ mà với cả những DN lớn cũng phải chuẩn hóa những sản phẩm của mình theo quy định mới.

Bà Linh Lụa, chủ một tiệm vàng khá lớn trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, cho biết: “Chúng tôi chỉ mong nhà nước gia hạn thời gian xử phạt chứ với thời gian ngắn, DN chưa thể tiêu thụ hết những sản phẩm trước đây. Nếu áp dụng các biện pháp chế tài đối với những sản phẩm không đủ chuẩn từ ngày 1-6, chúng tôi sẽ bị phạt nặng vì hiện khoảng 70% sản phẩm đang bày bán vẫn là hàng tồn trước đây”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ cũng cho biết, để đón nhận chính sách mới, cách đây 2 tháng, Công ty PNJ cũng đã điều chỉnh các sản phẩm vàng trang sức theo đúng quy định sai số của TT22 là từ 0,1%-0,3% (trước đây quy định sai số cao hơn, ở mức cộng trừ (+/-) 0,5%).

“Việc điều chỉnh đúng sai số này, chúng tôi phải dùng hàm lượng vàng cao hơn cho các sản phẩm. Chẳng hạn trước đây khi sản xuất vàng nữ trang 18K (75%), hàm lượng vàng cho nguyên liệu chỉ cần đủ 75% nhưng nay phải tăng hàm lượng vàng lên để đảm bảo sai số ít hơn theo quy định”- bà Cúc cho biết.

Liên quan đến một số DN kiến nghị lùi thời gian áp dụng TT22, bà Cúc cho rằng, thực tế để tiêu thụ sản phẩm nữ trang phải mất thời gian khoảng 1 năm, đó là chưa kể những trang sức quý, mắc tiền phải mất khoảng 2 năm mới bán hết sản phẩm.

“Việc áp dụng TT22 đã được quy định từ 1-6, tuy nhiên để các DN có thêm thời gian xử lý hàng tồn, cần phân sản phẩm ra làm 2 dạng. Những sản phẩm được sản xuất sau khi TT22 ban hành thì buộc phải thực hiện đúng chuẩn, đối với những sản phẩm được sản xuất trước đó, có thể xem xét cho các DN thêm thời gian để xử lý” - bà Cúc đề nghị.

"Đã đến lúc phải chấn chỉnh chất lượng vàng nữ trang trên thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù TT22 vẫn còn nhiều điểm hạn chế và chưa giải quyết hết những mặt tồn tại của thị trường này nhưng một khi thông tư này có hiệu lực từ 1-6 thì các DN, cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng phải chấp hành. Hiện nay, một số DN có thâm niên kinh doanh vàng trang sức lâu năm còn tồn hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn món nữ trang vẫn chưa có hướng xử lý là do các DN này chờ “nước đến chân mới nhảy"

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM NGUYỄN VĂN DƯNG

NHUNG NGUYỄN - THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục