Sông Mekong phần chảy vào Việt Nam gọi là sông Cửu Long, chia làm 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, đổ ra biển bằng 9 cửa. Dòng nước mênh mông này là nguồn lợi phong phú để người dân ĐBSCL nuôi cá, tôm. So với thế giới, không nơi đâu có điều kiện tự nhiên tốt bằng đầu nguồn sông Cửu Long để nuôi loài cá da trơn. Từ năm 1996, sau khi áp dụng được phương pháp sinh sản nhân tạo, sản lượng cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL bắt đầu tăng lên. Từ năm này, Việt Nam xuất khẩu cá tra và cá ba sa sang Mỹ. Nông dân ĐBSCL mừng như mở hội vì sản phẩm cá ngon của mình được mở rộng thị trường, mang lại thu nhập. Hơn thế, như tấm lòng rộng mở của người dân miền sông nước, họ luôn mong muốn bè bạn năm châu thưởng thức vị ngọt của cá nuôi từ sông Cửu Long.
Thế nhưng, niềm vui ấy chưa kéo dài bao lâu đã xảy ra sự kiện tranh chấp thương hiệu, làm khó dễ từ phía Mỹ. Thành công bất ngờ của cá tra, cá ba sa Việt Nam tại Mỹ đã khiến các nhà nuôi cá ở Mỹ dựa vào cớ Việt Nam đang hưởng thành quả của những người nuôi cá ở Mỹ khi lấy tên là cá ba sa catfish.Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Quốc hội Mỹ đã thông qua lệnh cấm tạm thời, theo đó chỉ có cá da trơn của Mỹ được gọi là catfish, còn cá của Việt Nam phải được gọi bằng tên cá tra hay ba sa. 7 năm sau (2008), chính người Mỹ lại gây áp lực để gọi cá tra của Việt Nam là... cá da trơn (catfish)!
Có lẽ sau khi làm khó dễ, cá của Việt Nam vẫn tiêu thụ không hề giảm sút tại thị trường Mỹ. Sau vụ kiện đó, danh tiếng của cá tra Việt Nam càng được nhiều người biết tới. Và không chỉ ở thị trường Mỹ, cá tra, cá ba sa Việt Nam còn mở rộng thị phần trên toàn thế giới, sản lượng và công suất chế biến tăng lên 6 lần so với năm 2002, giá trị xuất khẩu của con cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD vào năm 2008.
Cũng trong năm này, tại Ai Cập đã xuất hiện hàng loạt thông tin thất thiệt về cá tra, cá ba sa Việt Nam. Tại Italia, một số phương tiện truyền thông đã đưa tin bài không đúng sự thật về cá tra, cá ba sa Việt Nam nhập khẩu vào nước này. Thông tin cho rằng cá tra, cá ba sa Việt Nam được nuôi ở nguồn nước ô nhiễm, gây lo ngại cho người tiêu dùng… khi sản phẩm cá tra, cá ba sa xuất khẩu vào Ai Cập và Italia tăng lên.
Vừa qua, sự kiện WWF đưa cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào danh sách các sản phẩm mang nhãn màu đỏ (không nên sử dụng) trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng của WWF có lẽ cũng không nằm ngoài chiến dịch bài xích cá tra, cá ba sa của Việt Nam. WWF chỉ dựa vào các tiêu chí quá cũ và thiếu khách quan để đánh giá về cá tra, cá ba sa của Việt Nam là việc làm không thể chấp nhận được. Trong buổi làm việc với các cơ quan hữu trách Việt Nam sáng ngày 15-12, WWF thế giới đã thừa nhận sai lầm, không thể đưa ra các chứng cứ cụ thể để khẳng định cá tra Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn trong bộ 19 câu hỏi theo tiêu chuẩn riêng của WWF.
Lẽ ra, WWF phải xin lỗi Chính phủ và người nuôi cá Việt Nam, bởi việc đưa cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào danh sách đỏ đã làm tổn hại danh dự của doanh nghiệp, đặc biệt là người nuôi cá Việt Nam. Nhưng dẫu sao đây cũng là dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận. Cuối cùng, chân lý đã thuộc về lẽ phải, thuộc về người nuôi cá Việt Nam như bao sự kiện dàn dựng đã diễn ra trước đây.
TRẦN MINH TRƯỜNG