Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng cổ phần tại Việt Nam) được thành lập theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhằm thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước.
Sau 30 năm hoạt động và phát triển, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng những thành tựu của ngân hàng hôm nay đã khẳng định tính đúng đắn trong chỉ đạo thành lập thí điểm hình thành ngân hàng cổ phần của Đảng bộ TPHCM.
Giao dịch tại SaigonBank. Ảnh: Cao Thăng
Thành công từ mô hình thí điểm
Những năm trước 1986, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh tế không ổn định, lưu thông rối ren, giá cả tăng và hệ thống ngân hàng lúc bấy giờ cơ bản vẫn hoạt động như một công cụ ngân sách, chưa thể hiện vai trò trung gian tài chính, khả năng tiếp cận của người dân với các hoạt động ngân hàng còn hạn chế, công tác tín dụng còn mang tính bao cấp, hiệu quả thấp.
Với thực tế hoạt động của ngành ngân hàng trong giai đoạn này, ngày 16-10-1987, một định chế tài chính hoàn toàn mới mẻ đã ra đời nhằm tìm kiếm giải pháp góp phần vực dậy nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả để lại khá nặng nề của chiến tranh cộng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.
Lúc mới thành lập, tuy gặp những khó khăn nhất định, nhưng với sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan ban ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, SaigonBank đã vượt qua nhiều thử thách để tồn tại và phát triển.
Chỉ sau một thời gian hoạt động, SaigonBank đã phát huy vai trò là một ngân hàng thương mại với phương thức kinh doanh mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của TPHCM trong những năm đầu của tiến trình đổi mới.
Trong từng thời điểm, Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc SaigonBank đã nhận diện đúng, kịp thời những khó khăn, thuận lợi để đưa ra nhiều giải pháp phù hợp đối với từng tình huống cụ thể. Do đó, ngân hàng đã tận dụng được nhiều cơ hội và hạn chế rủi ro trong hoạt động.
Ngay từ những năm đầu thành lập, nhận thức được chủ trương của Đảng và Nhà nước là tập trung phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mặc dù lúc bấy giờ, các ngân hàng chuyên doanh chưa cho vay kinh tế tư nhân nhưng SaigonBank đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc cho vay kinh tế tư nhân để khai thác phân khúc thị trường mới.
Việc định hướng cho vay không phân biệt thành phần kinh tế đã được xác định là hướng đi đúng đắn của SaigonBank và hiện nay được nhiều ngân hàng lựa chọn vì thành phần kinh tế tư nhân đã phát huy được thế mạnh, thể hiện được tính năng động, sáng tạo, linh hoạt trong nền kinh tế thị trường, đóng góp đáng kể trong tổng GDP của đất nước.
Đến cuối những năm 1980, khi hệ thống NHNN về cơ bản hoạt động như một công cụ ngân sách, chưa thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh XHCN thì SaigonBank đã tự cân đối được thu chi và kinh doanh có lãi sau khi làm tròn các nghĩa vụ thuế cho ngân sách nhà nước, ngân hàng vẫn có cổ tức chia cho cổ đông hàng năm và tích lũy các quỹ cho ngân hàng.
Trong những giai đoạn tiếp theo, mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng SaigonBank đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động và đạt được kết quả khả quan.
Thời điểm 2011-2015 là giai đoạn ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngân hàng theo Quyết định 254/2012 của Thủ tướng Chính phủ, SaigonBank được xếp vào nhóm các tổ chức tín dụng lành mạnh và được tự tái cơ cấu lại hoạt động.
Theo đó, SaigonBank cũng đã xây dựng và triển khai các biện pháp tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển về quy mô, hoạt động, tài chính và có trình độ quản trị, công nghệ tiên tiến. Đến cuối năm 2015, SaigonBank đã cơ bản hoàn thành những nội dung chính trong kế hoạch tái cơ cấu lại ngân hàng.
Trong năm 2017, với bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính còn nhiều biến động bất lợi, SaigonBank vẫn tiếp tục nỗ lực hoạt động và đạt những kết quả tích cực. Tính đến cuối tháng 9-2017, giá trị tổng tài sản của SaigonBank đạt gần 20.878 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Vốn huy động đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm gần 82% trên tổng nguồn vốn, tăng 7,65% so với đầu năm và luôn đảm bảo an toàn thanh khoản trong hoạt động. Tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 9-2017 tăng gần 7% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của SaigonBank 9 tháng đầu năm đạt gần 231 tỷ đồng. Nợ xấu ngân hàng ở mức dưới 3%.
Hoạt động của SaigonBank đã đáp ứng nhu cầu về vốn rất lớn của doanh nghiệp và dân cư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn hoạt động của SaigonBank đã khẳng định quyết định rất đúng đắn và kịp thời của TPHCM trong việc đề xuất với Trung ương cho ra đời một mô hình ngân hàng cổ phần thí điểm, nhằm hiện thực hóa đường lối đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào cuối năm 1986.
Từ thành công trong mô hình thí điểm này, NHNN Việt Nam và Chính phủ đã đúc kết thực tiễn để hoàn thiện dần cơ chế quản lý cùng chính sách pháp luật, làm tiền đề để cho phép thành lập các ngân hàng TMCP trên cả nước và tiếp tục phát triển mạnh sau này.
Chậm nhưng vững
Sau 30 năm hoạt động, với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 650 triệu đồng, đến nay vốn điều lệ của SaigonBank đã tăng lên 3.080 tỷ đồng. Từ 1 cơ sở và 1 chi nhánh của thời kỳ đầu, đến nay SaigonBank đã mở rộng 33 chi nhánh, 54 phòng giao dịch trên toàn quốc và 1 khách sạn Riverside tọa lạc tại trung tâm quận 1. Điều đáng nói, hầu hết tài sản này đều là của SaigonBank.
Mặc dù quy mô vốn điều lệ của SaigonBank hiện vẫn còn khiêm tốn nhưng nhờ vốn điều lệ tăng trưởng qua từng năm nên SaigonBank đã thúc đẩy tăng trưởng nghiệp vụ, phát triển mạng lưới hoạt động, kết quả kinh doanh liên tục có lời, cổ đông nhận cổ tức khá cao từ đồng vốn đầu tư ban đầu. Ban điều hành ngân hàng luôn đặt quyền lợi, vai trò của khách hàng và cổ đông là trên hết.
Kết quả kinh doanh hàng năm, sau khi làm tròn nghĩa vụ nộp quỹ, trích lập quỹ dự phòng theo quy định, ngân hàng đều ưu tiên chia lãi cho cổ đông. Tổng lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông trong 30 năm qua là 1.640 tỷ đồng.
“SaigonBank đạt được những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình đổi mới trong công tác quản trị, điều hành và sự nỗ lực phấn đấu của cả tập thể lãnh đạo cũng như cán bộ nhân viên SaigonBank qua từng thời kỳ. Trong quá trình hoạt động, tuy ngân hàng gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhân viên đã chứng tỏ tính trung thực, đạo đức nghề nghiệp, dám làm dám chịu trong khuôn khổ pháp luật, cùng với hệ thống quản lý luôn được hoàn thiện, điều chỉnh kịp thời thông qua kiểm tra, kiểm soát nội bộ nên đã góp phần giữ cho hoạt động của SaigonBank phát triển minh bạch, lành mạnh và làm tròn trách nhiệm đối với Nhà nước, cổ đông và xã hội. Năm 2017 là năm đánh dấu chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển SaigonBank - ngân hàng TMCP đầu tiên của Việt Nam. Trải qua một chặng đường với nhiều thăng trầm, cùng với đường lối đúng đắn, SaigonBank xin hứa sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tựu, giá trị văn hóa đã được xây dựng và bồi đắp trong thời gian qua. Tất cả vì một mục tiêu chung và vì sự nghiệp phát triển chung của SaigonBank, đó là hoạt động với phương châm chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch. Cùng với đó, SaigonBank cũng đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu suất, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống SaigonBank với tinh thần thượng tôn pháp luật”. - Tổng giám đốc VŨ QUANG LÃM
Ông Vũ Quang Lãm, Tổng Giám đốc SaigonBank, cho biết ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian tới nhằm đáp ứng tốt các chỉ tiêu bảo đảm an toàn, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động, nâng cao năng lực tài chính để phục vụ đầu tư, cũng như khả năng mở rộng và phát triển mạng lưới, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả của ngân hàng.
Trước áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng trong và ngoài nước, SaigonBank luôn chọn lối đi cho riêng mình, mặc dù chậm nhưng vững chắc. Liên quan đến thực hiện đề án tái cơ cấu, SaigonBank vẫn tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp như tái cấu trúc danh mục vốn đầu tư, tăng hiệu quả kinh doanh từ việc khai thác các tài sản ngân hàng hiện có.
Hình thành các bộ phận nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo đối tượng khách hàng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và tăng dần tỷ trọng thu nhập phi tín dụng trong cơ cấu thu nhập; đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp hạn chế và giảm dần nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ theo đề án đã được NHNN thông qua.