Chặng đường thử thách

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông báo cho biết các nước ASEAN đã đạt được 79,4% kế hoạch hội nhập tiến tới mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Đây là một tiến bộ lớn, vì chỉ mới cách đây vài tháng, con số này là hơn 77%. Tuy nhiên, với khối lượng khổng lồ các vấn đề cần giải quyết của 10 nước ASEAN, 20% còn lại được coi là “chặng đường cuối” đầy thử thách.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan phát biểu trong Hội nghị cấp cao kinh doanh, đầu tư ASEAN tại Brunei hôm 20-8 cho biết, các bộ trưởng cũng nhận thức được rằng thời hạn năm 2015 có thể là hơi sớm, “Một vài quốc gia có những hạn chế nhất định về mở cửa để hội nhập và tiếp cận thị trường”. Đặc trưng của ASEAN, ngay từ đầu, chính là sự đa dạng về kinh tế và chính trị của các thành viên.

Chẳng hạn, nước giàu nhất và nghèo nhất trong ASEAN có GDP hơn kém nhau tới 61 lần. Những khác biệt như vậy khiến các nước không dễ nhượng bộ khi từ bỏ các chính sách quốc gia để tham gia vào các cam kết khu vực. Tình trạng này lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua và đến giờ này vẫn tiếp tục được nhắc tới.

Viện Nghiên cứu ASEAN CIMB (CARI), có trụ sở đặt tại Malaysia, trong một nghiên cứu công bố mới đây, đưa ra các cảnh báo cụ thể hơn: Các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa chiếm tới 98% doanh nghiệp trong ASEAN, nhưng đa số vẫn chưa ý thức được đầy đủ về các cơ hội mà thị trường chung ASEAN mang lại. Trên thực tế, các công ty này vẫn muốn được hưởng những chính sách bảo hộ, giúp họ tránh được những cạnh tranh từ bên ngoài.

Trong khi đó, hội nhập kinh tế khu vực lại tiếp cận từ chính phủ, chứ không phải doanh nghiệp nên các thỏa thuận hội nhập được cấp chính phủ thực hiện trong khi tiếng nói của doanh nghiệp có khi ít được coi trọng.

Ông Subash Bose Pillai, Trưởng bộ phận hội nhập thị trường, Ban thư ký ASEAN, nêu một số lý do “khó nhằn”: các nước chậm trễ trong việc thông qua các thỏa thuận/nghị định thư đã ký kết; không áp dụng được các sáng kiến khu vực do luật lệ và quy định nội bộ từng nước...

Ông Pillai giải thích: “Mỗi nghị định/thỏa thuận cần được cả 10 nước phê chuẩn. Nhưng mỗi nước ASEAN có một cơ chế phê chuẩn khác nhau. Có nước cần rất nhiều thời gian”. Tự do hóa dịch vụ cũng là một thách thức lớn trên con đường tiến tới mục tiêu hoàn thành AEC. Trong khu vực ASEAN, lĩnh vực dịch vụ góp phần đáng kể vào việc gia tăng GDP của từng nước thành viên.

Tài liệu của Ban thư ký ASEAN cho thấy, giá trị sản phẩm dịch vụ chiếm tới 40%-60% GDP của nhiều nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cam kết của nhiều nước phát triển trong ASEAN không cao hơn bao nhiêu so với nguyên trạng.

Dù còn nhiều khó khăn, song các quốc gia vẫn tái khẳng định cam kết tăng cường các biện pháp trong nước, tiếp tục thực hiện những sáng kiến mới nhằm hỗ trợ kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bằng việc giải quyết những rào cản đối với hội nhập và cải thiện sự năng động trong kinh doanh, đảm bảo việc thực hiện AEC vào năm 2015.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục