1- Mới đây, thông tin trên một tờ báo ngành của thể thao TPHCM cho biết, VĐV trẻ Phan Thị Thúy Diễm của môn bi sắt sau 3 tháng tự ý xin nghỉ, giờ “đuối” quá bèn quay trở lại khiến người hâm mộ thể thao thành phố không biết nên buồn hay vui.

Thúy Diễm thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 5-2006. Ảnh: Dũng Phương
Từ một cô bé bán phá lấu, môn bi sắt đưa Thúy Diễm ra vùng sáng và sau đó cô hầu như có tất cả từ vật chất đến danh vọng, dù chẳng nhiều và chẳng thấm vào đâu. Những điều ấy, Thúy Diễm có được phần lớn là từ tài năng thể thao của cô, nhưng cũng không thể phủ nhận sự quan tâm của ngành thể thao thành phố, của quốc gia và của cả những Mạnh Thường Quân đã yêu mến và chung tay góp sức cho một Thúy Diễm bi sắt hôm nay.
Thế nhưng sau giải vô địch châu Á năm 2006, Thúy Diễm bắt đầu có những dấu hiệu “bay lượn” của một ngôi sao khi tập tành bê trễ, dấm dẳng với đồng đội và ngay cả HLV. BHL và nhiều người cũng thông cảm, vì cho rằng đó là tính khí thất thường của những cô gái đang tuổi dậy thì. Tuy nhiên sau đó, Thúy Diễm nộp đơn xin nghỉ với lý do gia đình và trị bệnh đau dạ dày, dù đã được ban huấn luyện và bạn bè khuyên giải. Thậm chí là giới báo chí cũng có những bài viết để động viên lẫn cảnh tỉnh Diễm, vì ai cũng biết lý do Diễm xin giã từ bi sắt không phải như những gì cô nêu trên tờ đơn giấy trắng mực đen ấy.
Đã 3 tháng trôi qua, có lẽ “ngôi sao” Thúy Diễm đã thấm thía được rằng không có bi sắt thì cô chẳng là gì cả, và xin quay trở lại. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nêu lên vấn đề, ngành thể thao và bộ môn bi sắt TPHCM dù mừng vui với sự trở lại của “ngôi sao” trẻ này cũng như đã tạo cơ hội cho cô, nhưng cần phải có những biện pháp chế tài với những VĐV như Thúy Diễm để các VĐV trẻ ấy biết rằng, ở đâu thì cũng phải có phép tắc kỷ cương.
Các đội tuyển thể thao (dù chỉ là đội tuyển TPHCM) không phải là cái chợ để ai muốn vào thì vào, muốn ra thì ra. Tất cả đều phải có cái giá của nó. Vì thế, để chen chân vào lại được đội tuyển bi sắt TPHCM, Thúy Diễm phải có thời gian thử thách và chứng tỏ được bản thân, bởi khi Thúy Diễm trở lại đã làm xáo trộn giáo án của BHL và vô hình chung làm mất cơ hội của những bi thủ trẻ khác. Và đó chỉ là ở cấp đội tuyển TPHCM, còn đội tuyển quốc gia, có lẽ nên để cô gái trẻ này có thời gian thử thách nhiều hơn, vì dù sao đội hình cũng đã tạm ổn cũng như không thiếu những gương mặt trẻ triển vọng để thay thế Diễm.
2- Từ chuyện đội tuyển không phải là cái chợ, lại nhớ đến những “hảo thủ” bóng đá gốc Việt ở nước ngoài xin về chơi bóng ở Việt Nam mà báo chí trong nước thỉnh thoảng lại “dựng” lên như một sự kiện ăn khách. Điều buồn cười là những cầu thủ ấy tài năng xuất chúng thế nào chưa biết, nhưng khi ngỏ ý xin đá bóng ở Việt Nam đều muốn thử việc trong màu áo... đội tuyển quốc gia. Cách đây chưa lâu, một bạn đọc đã gọi điện đến tòa soạn để bày tỏ: “Cả nước với 14 đội chuyên nghiệp, 14 đội hạng Nhất mới chọn ra được gần 30 tuyển thủ để khoác áo đội tuyển quốc gia.
Thế mà những cầu thủ “cha căng, chú kiết” nào đó được báo chí các anh “phát hiện” là lại đòi được thi đấu ngay cho đội tuyển quốc, chứ chẳng ai nói muốn đá cho CLB nào đó trong nước. Thế mới ghê chứ!”. Kết quả là rất nhiều “hảo thủ” ấy đến thử việc tại CLB trong nước còn bị loại thẳng tay vì yếu chuyên môn, chứ đừng nói đến là ĐTQG. Nên chẳng ngạc nhiên khi HLV trưởng A.Riedl đã phát cáu khi tuyên bố: “Đội tuyển không phải là nơi để thử việc!”, và yêu cầu các phóng viên trước mặt ông đừng bao giờ nhắc chuyện anh Tý, anh Tèo nào đó đang ở Anh, ở Pháp muốn về đá cho đội tuyển Việt Nam.
Chuyện các cầu thủ hay những VĐV gốc Việt muốn trở về khoác áo thi đấu cho quê hương là điều rất đáng trận trọng và nên khuyến khích. Tuy nhiên, những VĐV ấy cũng nên biết “lượng sức” mình, đồng thời báo chí trong nước cũng đừng góp phần làm họ “bay” cao quá rồi lại té đau, bởi tất cả đều phải có sự kiểm định theo từng cấp bậc rõ ràng từ cấp đơn vị cho đến quốc gia. Nên nhớ rằng đội tuyển quốc gia chẳng phải là cái chợ!
ĐỖ TUẤN