Nhằm chống lạm phát vì đà lao dốc không phanh của đồng Ruble, ngày 11-12, Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm phần trăm, từ mức 9,5% lên mức 10,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 kể từ đầu năm, trong bối cảnh đồng Ruble đã rớt giá xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử so với đồng USD, với 55,46 Ruble đổi 1USD, mất giá khoảng 40% so với thời điểm đầu năm. Quyết định tăng lãi suất được áp dụng ngay sau khi Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2015 từ mức 0% trước đó xuống mức - 0,7%.
Không khó để kết luận rằng một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế Nga sụt giảm là do sự mất giá của đồng Ruble khiến giá tiêu dùng tăng cao, buộc người dân phải giảm bớt các khoản chi không cần thiết… Ngoài ra, việc giá dầu mỏ giảm 44%, rớt xuống dưới ngưỡng 60USD/thùng cũng gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nga. Hiển nhiên, trong hoàn cảnh này, Nga còn khẳng định trừng phạt là cái cớ cho sự phát triển và không ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga.
Phát biểu trên truyền hình ngày 10-12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev kêu gọi: “Chúng ta cần kiên nhẫn để vượt qua giai đoạn khó khăn này và nhìn về tương lai”. Tuy nhiên, Thủ tướng Medvedev cũng nhấn mạnh, lệnh trừng phạt bất lợi cho tất cả các bên. Nếu trong năm nay, Liên bang Nga mất hàng chục tỷ USD do lệnh trừng phạt, thì Liên minh châu Âu (EU) cũng mất khoảng 40 tỷ EUR do bị Mátxcơva trả đũa và có thể lên đến 50 tỷ EUR trong năm tiếp theo, theo dự tính của giới chuyên gia Nga.
Quyết định sử dụng đòn trừng phạt của phương Tây có thể đẩy Nga đến bờ vực khủng hoảng, nhưng cũng giúp Chính phủ Nga đưa ra một số đường hướng quan trọng, đặc biệt là thay đổi chiến lược xuất nhập khẩu và tạo ra các sản phẩm cạnh tranh chất lượng.
Những người ở điện Kremlin tin tưởng rằng, mâu thuẫn với phương Tây hiện nay như một dịp để kiểm tra, “đại tu” nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt. Trong một vài năm tới, người Nga sẽ tự túc lương thực, thực phẩm và sẽ không cần nhập khẩu sản phẩm nước ngoài.
Tuy nhiên, như Tổng thống Putin đã khẳng định trong Thông điệp quốc gia ngày 4-12, nước Nga không bao giờ chọn con đường tự cô lập mình. Từ khi quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xa cách thì Mátxcơva lại càng xích gần hơn phương Đông. Biểu hiện rõ nhất là sự hình thành khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) nhằm tạo thế đối trọng với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Trung Quốc và Nga đã nhất trí hợp tác phát triển khu vực Viễn Đông của Nga.
Trong chuyến đi tới Ấn Độ, Tổng thống Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nhất trí tăng cường hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và thương mại. Hay như việc Nga quay sang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO đang cố gắng gia nhập EU…
Người Nga vẫn khẳng định sẽ không đẩy lùi hợp tác với phương Tây. Chỉ có điều, Mỹ và EU hiện đang đi nhầm đường. Phương Tây nên giúp Ukraine phục hồi nền kinh tế thay vì tập trung vận động chính trị và đưa ra những lời hứa suông. Bởi, Nga sẽ không phải bên duy nhất chịu thiệt!
XUÂN HẠNH