Chào ông Mandela, chào World Cup !

Chào ông Mandela, chào World Cup !

...Hãy ghi nhớ thời khắc này, vì đó là lịch sử. Lúc 15 giờ chiều nay ở Nam Phi - hay 20 giờ Việt Nam - muôn vạn tiếng kèn vuvuzela sẽ vang dậy trên những dãy khán đài tráng lệ của Soccer City, chào đón khai mạc World Cup thứ 19 của nhân loại. Để tổ chức một ngày hội bóng đá được kỳ vọng là sẽ an lành, chất lượng, hòa bình và hữu nghị, đó là cả một nỗ lực to lớn của đất nước Nam Phi nói chung và vị cha già nói riêng của những người Nam Phi da màu từng chịu áp bức dưới chế độ phân biệt chủng tộc - Nelson Mandela...

Tiền vệ Nam Phi Steven Pienaar cùng đồng đội gặp gỡ lãnh tụ Nelson Mandela hôm 3-6.
Tiền vệ Nam Phi Steven Pienaar cùng đồng đội gặp gỡ lãnh tụ Nelson Mandela hôm 3-6.

Rất nhiều người Nam Phi mong mỏi lãnh tụ Nelson Mandela đến dự cả lễ khai mạc World Cup vào hôm nay lẫn lễ bế mạc vào ngày 11-7, dù biết ông đã 91 tuổi, đi đâu cũng phải có người dìu đỡ. Vắng ông, những thời khắc trọng đại nhất của World Cup sẽ kém phần trọng đại. Vì một lẽ đơn giản: Không có Mandela thì có lẽ người dân Nam Phi đã không có kỳ World Cup này.

Suốt cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì tự do và bình đẳng cho dân tộc Phi, từ lúc bị áp bức tù đày cho đến khi thắng lợi và trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, ông Mandela đã dành một phần trong đó để ấp ủ ước mơ đưa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh về với Nam Phi và góp sức cho ước mơ đó thành hiện thực.

Hai mươi năm trước, chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi vẫn còn tồn tại, đất nước Nam Phi vì thế vẫn còn bị cấm tham gia mọi cuộc tranh tài thể thao quốc tế và hẳn nhiên là không một ai nghĩ đến chuyện xứ sở cầu vồng sẽ trở thành nước chủ nhà của một kỳ World Cup. Nhưng cũng cách đây 20 năm, Nelson Mandela đã nói rằng bóng đá không chỉ đơn giản là một trò chơi mà nó còn tạo nên những tác động tích cực mà chưa chắc các chính trị gia làm được.

Thật vậy. Khi Mandela còn là một tù nhân mang số 46664 ở đảo Robben Island, ông nhìn thấy bóng đá giúp một số bạn tù của ông giữ được đầu óc tỉnh táo. Sau khi ông ra tù vào ngày 11-2-1990, ông nhìn thấy bóng đá là một trong những công cụ tuyệt vời trong nỗ lực hòa giải và hoà hợp dân tộc - vốn đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa bình 1993. Rồi sau khi chế độ apartheid bị xoá bỏ năm 1994 và Nelson Mandela trở thành vị Tổng thống Nam Phi (nhiệm kỳ 1994-99) đầu tiên được bầu lên một cách thực sự dân chủ, ông càng quyết tâm giành bằng được quyền tổ chức World Cup cho đất nước trước khi ông nhắm mắt.

Mandela đã sang Zurich không phải một lần mà 2 lần, để dùng uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng của mình thuyết phục FIFA. Ông thuyết trình rằng nếu đất nước của ông đã có đủ nhân lực và lòng quyết tâm để tổ chức World Cup bóng bầu dục năm 1995, Giải vô địch bóng đá châu Phi 1996 cũng như World Cup bóng gậy năm 2003 thì chắc chắn sẽ phấn đấu tổ chức thành công một World Cup bóng đá với 64 trận đấu cho 32 đội tuyển.

Lúc bấy giờ, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter có nói: “Chúng ta có một bổn phận về mặt đạo đức đối với bóng đá châu Phi và người dân châu Phi”. Sau khi trao quyền tổ chức World Cup 2010 cho Nam Phi đến nay, Sepp Blatter vẫn thường đắc ý nhắc đi nhắc lại rằng “người thắng cuộc là bóng đá, người thắng cuộc là châu Phi nói chung”...

o0o

Đương nhiên vẫn đang có không ít người hoài nghi những lời Blatter nói và cũng có không ít người sẵn sàng cải chính rằng đưa World Cup 2010 về Nam Phi đâu chỉ có một mình Mandela. Hoài nghi là đúng, thắc mắc là đúng. Bởi trên thực tế, sự nghiệp World Cup 2010 đã cần đến 3 đời tổng thống - Mandela, Thabo Mbeki và hiện nay là Jacob Zuma - cộng với nỗ lực bền bỉ xuyên thời gian của Danny Joordan (Chủ tịch ban tổ chức Wolrd Cup). Đồng thời, sự nghiệp ấy vẫn còn đối diện nhiều thử thách, bởi vẫn còn đó nhiều mối lo ngại: Có trung bình 50 vụ giết người xảy ra ở Nam Phi mỗi ngày, có 40% dân số Nam Phi thu nhập thường nhật chưa tới 2 USD, trong khi ngân sách tổ chức kỳ World Cup này đã phình lên 8,6 tỷ USD - gần gấp 8 lần so với dự kiến trước đây.

Thế nhưng, nếu là dân Nam Phi thì liệu sẽ mấy ai lưu tâm?! Họ chỉ biết World Cup 2010 sẽ diễn ra trên xứ sở của họ, và điều đó là lịch sử. Họ chỉ cần gióng giả tiếng kèn vuvuzela đến đinh tai nhức óc để chào mừng ngày hội bóng đá của Nam Phi, của mọi người, của những ước vọng về sự hòa hợp, hòa bình và hữu nghị theo đúng tinh thần Mandela - người mở đường cho World Cup 2010 đến với Nam Phi. Hôm nay, sẽ có không dưới 94.700 người đổ dồn vào Soccer City trong trận khai mạc Nam Phi - Mexico, chờ đón vị cha già của những người da màu từng chịu áp bức dưới chế độ phân biệt chủng tộc.

Hai mươi năm trước, vào ngày 13-2-1990 và cũng tại sân bóng ấy, đã có không dưới 85.000 người đến nghe bài diễn văn đầu tiên của Mandela sau 27 năm bị giam cầm trong tù chính trị...

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục