Chắp cánh cho học trò nghèo nơi biển mặn

Mỹ Cát là một trong những xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Hàng năm, Mỹ Cát hứng chịu các loại hình thiên tai như bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Cũng bởi khó khăn, trắc trở nên sự học của trẻ em trên địa bàn xã lâu nay rất gian truân. Dẫu vậy, các thế hệ học trò ở xã biển này vẫn luôn giữ khát vọng vượt khó, vươn lên.

Gian nan “gánh muối, con chữ”

Những ngày giữa tháng 4-2024, nắng như đổ lửa bao phủ toàn tỉnh Bình Định. Đi dọc các dải cát ven biển phía Bắc huyện Phù Mỹ, khắp nơi cái nắng rát bỏng đang như thiêu như đốt. Từ rạng sáng, bà con nông dân ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Tài, Cát Minh đều ra đồng làm việc để tránh nắng. Còn cánh diêm dân thì phải trần mình giữa nắng nóng để chăm lo các ruộng muối. Giá muối nhiều năm qua chập chờn, hiện giá đang rớt còn 900-1.200 đồng/kg.

Cô Ngô Thị Kim Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Cát (thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát), kể: Bao thế hệ qua, người dân Mỹ Cát sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, làm muối và đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Đến mùa mưa lũ, Mỹ Cát như một cái âu chứa lũ của cả vùng nên thường xuyên bị ngập nặng. Có năm, trường ngập sâu 1-1,5m nước lũ, thầy cô nháo nhào lo giữ lấy các tài sản, giáo trình, sách vở, tài liệu, thiết bị… Lũ qua, trường tràn ngập bùn non, cô thầy lại xắn tay dọn lũ đất để đón học sinh.

Chị Nguyễn Thị Da Ly (35 tuổi, mẹ của cháu Lê Nguyễn Trúc Mai, học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Mỹ Cát) chia sẻ, mấy năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản ở ven đầm Đạm Thủy suy giảm nghiêm trọng nên ngư dân trong xã đánh bắt thất thu, đói biển. Trong khi đó, giá muối rớt thảm nên nhiều người tìm cách chuyển đổi nghề, một số tìm đến các đô thị lớn để làm thuê kiếm sống. “Cuộc sống khó khăn, mưu sinh từng gánh muối giữa nắng nóng gay gắt, nhưng bao thế hệ cha mẹ ở Mỹ Cát đều rất khát khao, rất chăm lo việc học của các con để sau này tương lai các con tươi mới hơn”, chị Da Ly tâm sự.

V4c.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Cát trong một tiết học

Gia đình chị Da Ly có 2 đám ruộng muối, nên vợ chồng chị làm lụng thêm nhiều nghề để chăm lo cho 3 đứa con đến trường. “Thấy các con học hành chăm ngoan, con trai lớn học giỏi, gia đình cũng mừng lắm, có thêm động lực để cố gắng làm ăn, chăm lo các con ăn học đến nơi đến chốn”, chị Da Ly bày tỏ.

Nâng bước chân trò nghèo ven đầm mặn

Hôm chúng tôi ghé Trường Tiểu học Mỹ Cát, các thầy cô đang tất bật rà soát lại cơ sở vật chất đang thiếu thốn, cần được cải tạo, nâng cấp để đạt yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn mới. Hiện toàn trường có 457 học sinh, 28 giáo viên, nhân viên. Dù điều kiện cơ sở vật chất đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Trong đó, nhiều năm hệ thống các máy lọc nước sạch phục vụ học sinh, thầy cô của nhà trường đã hỏng nhưng chưa tìm được kinh phí để đầu tư…

Cô Nguyễn Thị Quyên (51 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Mỹ Cát) có thâm niên 30 năm đóng góp cho giáo dục địa phương, và là “nhân chứng” của chặng đường phát triển giáo dục của xã cho biết: “Bao lớp thế hệ học sinh Mỹ Cát đều học tập trong những giai đoạn khó khăn khác nhau, mỗi thời một cái khó, cái khổ. Nhưng nhìn chung học sinh ở xã đều có nghị lực, khát vọng vươn lên”.

V1d.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Cát trong một tiết học

Để tiếp thêm động lực cho các học trò nghèo, các thầy cô ở Trường Tiểu học Mỹ Cát có rất nhiều chương trình, sáng kiến hướng đến các học sinh đặc biệt khó khăn. “Mỗi năm, mỗi khóa học, bên cạnh công tác chuyên môn, các thầy cô xây dựng kế hoạch nhỏ để cả trường chung tay giúp bạn vượt khó đến trường. Hay các sáng kiến như: con heo vàng, đàn gà khăn quàng đỏ, tự góp giấy vụn, rác nhựa tái chế để làm kế hoạch nhỏ, góp sách vở cũ cho các bạn học sinh khó khăn”, cô Quyên cho biết.

Ông Trần Bá Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát, thông tin, Trường THCS Mỹ Cát và Trường Tiểu học Mỹ Cát đã đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Mặc dù còn khó khăn, nhưng địa phương luôn quan tâm đến sự học của con em, không để xảy ra trường hợp học sinh khó khăn phải nghỉ học. Sắp tới, Báo SGGP tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường”, làm cầu nối giúp đỡ, đóng góp cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học Mỹ Cát. Đảng ủy, UBND xã rất trân trọng hoạt động ý nghĩa này, qua đó giúp tạo động lực lớn cho con em ở xã giữ vững tinh thần hiếu học, noi gương các bậc anh, chị thế hệ trước đây vượt khó học giỏi, thành công trên nhiều lĩnh vực.

Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” về miền Trung

Dự kiến vào đầu tháng 5-2024, Báo SGGP sẽ tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” tại Trường Tiểu học Mỹ Cát. Theo kế hoạch, Báo SGGP sẽ trao 10 bộ máy tính để bàn, 3 máy lọc nước công nghệ cao, cải tạo phòng học, một số cơ sở vật chất và trao học bổng cho 457 học sinh.

Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” đã thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm chia sẻ, hỗ trợ các trường học ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới gặp khó khăn về địa điểm, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu cơ bản của học sinh; với mong muốn khích lệ, động viên, tạo điều kiện để các em học sinh tiếp tục cố gắng, phấn đấu, vượt khó vươn lên trong học tập.

Tại miền Trung, trong năm 2024, chương trình sẽ bắt đầu ở xã ven biển Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, sau đó sẽ tổ chức xuyên suốt dọc những địa phương khó khăn ven biển.

Tin cùng chuyên mục