Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường”: Lan tỏa văn hóa đọc về quê hương Đồng Khởi

Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) là 3 xã “chiếc nôi” của phong trào Đồng Khởi. Đây cũng là những địa phương có truyền thống hiếu học lâu đời. Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo SGGP đang triển khai cải tạo, nâng cấp 3 thư viện cho 3 trường THCS ở 3 xã này.

1. Nằm dọc theo sông Hàm Luông, Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh là 3 trong nhiều xã khó khăn của huyện Mỏ Cày Nam. Ở đây có điều kiện tự nhiên đặc biệt với 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn, hệ thống kênh rạch chằng chịt khiến cuộc sống của nhiều gia đình vẫn còn khó khăn.

Y3a.jpg
Các em học sinh Trường THCS Đồng Khởi (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) trong giờ đọc sách ở thư viện

Cô Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Khánh (ấp Phước Lý, xã Bình Khánh) cho biết: “Trường thuộc xã bãi ngang, sông ngòi chằng chịt, điều kiện đi lại vất vả. Một số học sinh phải qua đò để đến trường, rất nguy hiểm. Nhiều năm qua, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, trường đẩy mạnh trang bị cho thư viện trường, các hoạt động lan tỏa thói quen, đam mê đọc sách để tạo không gian văn hóa đọc thu hút học sinh tham gia.

Tuy nhiên, thư viện Trường THCS Bình Khánh đã đưa vào sử dụng từ năm 2005, hiện tại một số vách tường đã bong tróc và xuống cấp, cửa sổ, cửa ra vào đã bạc màu, song sắt cửa sổ gỉ sét nhiều, một số kệ chứa sách đã cũ chưa được thay mới, thiếu rất nhiều đầu sách tham khảo, tìm hiểu khoa học, truyện tranh. để tạo điều kiện cho học sinh được đọc và nâng cao kiến thức, nhà trường cần được hỗ trợ trang bị thêm tủ đựng sách di động và bàn ghế bổ sung cho không gian thư viện để đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh trong trường”.

Tương tự, cô Việt Thị Liền, nhân viên thư viện Trường THCS Đồng Khởi (ấp Định Nhơn, xã Định Thủy) chia sẻ: “Các vách tường phòng thư viện của trường hiện bị bong tróc, hệ thống điện, quạt, bàn ghế, máy in phục vụ cho thư viện hư hỏng, xuống cấp, sách và tài liệu của thư viện quá ít, bị rách, đa số đầu sách tư liệu cũ, không còn phù hợp nhu cầu hiện tại. Từ năm 2019 đến nay, nhu cầu đọc sách của học sinh cũng có, tuy nhiên, do thư viện không có nhiều sách tham khảo, truyện tranh… nên chưa thu hút học sinh đến đọc”.

Dù còn thiếu thốn trang thiết bị, nhưng nhà trường cũng cố gắng tổ chức nhiều chương trình, phong trào thu hút văn hóa đọc trong học sinh. Từ năm học 2022-2023 đến nay, nhà trường đã triển khai Ngày hội đọc sách tại thư viện, tạo thói quen và lan tỏa niềm yêu thích đọc sách cho học sinh ngày càng hiệu quả. Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hồng Dân, nhân viên thư viện Trường TH-THCS Phước Hiệp, cho biết, năm 2018, trường được sáp nhập từ Trường Tiểu học và THCS Phước Hiệp.

Tuy từng bước được sửa chữa, trang bị, nhưng do vùng đất bị nhiễm phèn nặng nên hiện tại một số vách tường đã bong tróc và xuống cấp, cửa ra vào đã bạc màu, phòng thư viện cũ kỹ, quạt không đủ mát, thiếu sáng. Một số kệ chứa sách bằng sắt đã mục, gãy chưa được thay mới vì sử dụng từ năm 2005. Bàn ghế phục vụ học sinh đọc sách còn ít, chưa đáp ứng đủ chỗ ngồi cho các em, chưa có máy vi tính phục vụ cho giáo viên, học sinh đến thư viện truy cập và tra cứu thông tin.

2. Với mong muốn chia sẻ với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới khó khăn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của học sinh; khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong học sinh ở những địa bàn khó khăn, thiếu điều kiện vật chất, tinh thần; khích lệ động viên, tạo điều kiện cho các học sinh tiếp tục cố gắng phấn đấu, vượt khó vươn lên, Ban tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” đã tiến hành khảo sát để vận động hỗ trợ cải tạo 3 thư viện cho các Trường THCS Đồng Khởi, Trường THCS Bình Khánh và Trường TH-THCS Phước Hiệp.

Chia sẻ về chương trình, nhà báo Trần Minh Trường, Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP, cho biết, chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo SGGP là chương trình có ý nghĩa thiết thực, chăm lo sự phát triển về thể chất, tri thức, tinh thần cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung chính của chương trình là vận động xây mới điểm trường, hòa quyện cùng các hoạt động khác như xây dựng thư viện, trao học bổng, xe đạp, tặng thẻ BHYT, sữa, thực phẩm thiết yếu...

Dự kiến năm 2024, chương trình tiếp tục hoàn thiện các công trình, dự án đã triển khai, bao gồm: xây tặng dãy phòng học mới (3 tầng, 6 phòng học và công trình phụ tại Trường THPT An Lạc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); tham gia cùng địa phương xây mới điểm trường thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); triển khai thực hiện chuỗi hoạt động mới trong năm 2024 gồm trao học bổng, tặng đồng phục, sách vở, dụng cụ học tập, thẻ BHYT, sữa, nhu yếu phẩm, phương tiện đến trường... tại huyện Cần Giờ (TPHCM) và các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Hà Giang…

“Có thêm nguồn sách mới, thiết bị, máy móc, không gian thư viện mới sẽ tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tri thức, sáng tạo. Ban tổ chức chương trình rất mong nhận được sự chung tay của cộng đồng để cùng xây dựng ước mơ mang tri thức đến với trẻ em Việt Nam”, nhà báo Trần Minh Trường mong mỏi.

Mọi ủng hộ xin gửi về Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; ĐT: (028) 22111263. Chủ tài khoản: Báo Sài Gòn Giải Phóng: 3100231438 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM hoặc 000170406009199 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Hội sở). Nội dung: Ủng hộ chương trình Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường.

Tin cùng chuyên mục