
Theo ghi nhận, phần lớn các bệnh lý tim mạch liên quan khá chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng nói chung, trong đó có chế độ ăn uống nhiều mỡ, nhất là loại mỡ có chứa nhiều cholesterol, triglyceride, chất béo bão hòa. Nguồn chất béo “no” này chủ yếu là chất béo động vật như mỡ heo, bơ, mỡ bò và kem sữa bò... Song, cũng có những chất béo tốt cho tim mạch.

Một bệnh lý chung cho nhiều bệnh tim mạch có liên quan tới dinh dưỡng là xơ vữa động mạch.
Người ta dùng từ “xơ vữa động mạch” để chỉ tình trạng lắng đọng các tế bào mỡ ở thành động mạch từ mức độ nhẹ như các vệt đọng mỡ đến các mức độ nặng hơn như hình thành các u mỡ (Atheroma) gây hẹp lòng mạch hoặc loét các u mỡ, rách các bao u mỡ gây nên các cục máu đông làm tắc hoàn toàn lòng động mạch mà hậu quả của nó là nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
Động mạch, ngay ở những giai đoạn sớm bị nhiều mỡ, đã trở nên “cứng”, giảm độ đàn hồi, tăng sức cản của dòng máu lưu thông và có thể gây tăng huyết áp…
Ngoài mỡ có nhiều ở thức ăn, thì ăn nhiều đường, đạm cũng sẽ chuyển hóa thành mỡ. Như vậy chế độ ăn thừa calo, nhiều đường, nhiều mỡ… sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa mỡ, đọng mỡ ở dưới da (bụng, hông) và trong lòng mạch máu.
Ăn thừa calo, nhiều đường còn có thể gây rối loạn chuyển hóa đường, mà tiểu đường ngày nay người ta coi là một bệnh tim mạch vì các tai biến của nó gây tàn phế, gây tử vong cho người bệnh chủ yếu là các biểu hiện tim mạch (thiếu máu cục bộ cơ tim, tắc mạch chi…).
Như vậy, kiêng chất béo là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tránh các bệnh tật? nghĩ như vậy liệu có đúng không khi chất béo - ngoài vai trò cung cấp nguồn năng lượng - còn có chức năng là chất dung môi, giúp hòa tan và hấp thu một số các vitamin cần thiết cho cơ thể như: Vitamin A, D, E, K,…?
- Chất béo nào tốt cho hệ tim mạch?
Trong chuyên môn, người ta gọi MUFA & PUFA là những “chất béo có lợi” vì có tác dụng tốt trên hệ tim mạch thông qua việc giảm huyết áp, cải thiện cấu trúc mạch vành và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. MUFA là chất béo có một nối đôi như dầu ôliu (olive oil), dầu cải (canola oil). Hai loại dầu này có tác dụng làm hạ mức cholesterol xấu trong máu.
PUFA là dầu có nhiều nối đôi, như dầu bắp, dầu hạt rum (safflower oil), dầu đậu nành và dầu hướng dương nhằm làm giảm mức cholesterol tổng cộng. Qua nhiều nghiên cứu, người ta cũng chứng minh được rằng MUFA & PUFA làm giảm tổng cholesterol và cải thiện tỉ lệ giữa loại Cholesterol-HDL (tốt) và Cholesterol-LDL (xấu). MUFA và PUFA được Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng để phòng tránh và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch đặc biệt đối với người cao tuổi nhờ vào tính thích hợp, không ảnh hưởng đến thành phần lipid trong huyết tương.
Theo nghiên cứu mới nhất có tên gọi là DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) có nghĩa là các cách tiếp cận bằng chế độ ăn để chặn đứng cao huyết áp, chất béo chiếm 27% lượng calo cần thiết cho cơ thể. Vậy làm cách nào để đảm bảo đủ lượng chất béo cho cơ thể mà vẫn giữ được cơ thể khỏe mạnh, tránh được các bệnh nguy hiểm do mỡ gây ra? Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên sử dụng “chất béo có lợi” để thay thế cho các loại “chất béo bão hòa”.
- Dinh dưỡng thế nào là có lợi?
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cung cấp đầy đủ năng lượng, giàu đạm, giàu béo (nhất là MUFA & PUFA), ít bột, đường. Sau đây là một số lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng dành cho các bạn:
Không nên
* Ăn quá nhiều, quá thừa calo (dưới 2.000 Kcals).
* Giới hạn chất béo bão hòa (chất béo no): nguồn chất béo “no” này chủ yếu là chất béo động vật như: mỡ heo, bơ, mỡ bò và kem sữa bò vì loại này dễ làm tắc động mạch.
* Tránh acid béo dạng trans- Đây là loại acid béo phát sinh ra khi ngành hóa thực phẩm hydrogen hóa một phần các loại dầu thực vật lỏng, biến chúng thành dạng cứng đặc – như margarin đóng thành thỏi, thành bánh (brick margarine).
* Không ăn mặn (lượng muối ăn nên là 6 – 8 grammes/ngày).
* Không uống rượu mạnh, cà phê đặc với khối lượng nhiều.
Nên
* Ăn ít đường và hạn chế các thức ăn nhiều đường (bánh, kẹo, mứt…).
* Ăn nhiều trái cây tươi.
* Dùng dầu có một nối đôi và dầu có nhiều nối đôi.
* Ăn nhiều rau có chất xơ - Chất xơ này làm giảm lượng cholesterol từ thức ăn hấp thu vào cơ thể.
GS. TS NGUYỄN MẠNH PHAN