Chất độc da cam quân đội Mỹ từng sử dụng tại Việt Nam những năm 1960 giờ đã được phát hiện tại Nhật Bản. Loại chất độc hóa học nguy hiểm trong lịch sử loài người hiện diện tại căn cứ Futenma trên đảo Okinawa trong 40 năm qua. Đây là kết quả điều tra vừa công bố trên tờ Japan Times, khiến dư luận Nhật Bản bàng hoàng.
Dựa trên những cuộc phỏng vấn các cựu binh Mỹ, tờ Japan Times cho rằng một lượng khổng lồ thuốc diệt cỏ đã được chôn cất tại Futenma sau chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, biến nó trở thành căn cứ quân sự nguy hiểm nhất thế giới và nguy cơ lớn hơn là làm nhiễm độc các hòn đảo tại Okinawa. Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Okinawa từ lâu đã trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi. Đó là do hàng loạt những hành vi phạm tội mà binh lính Mỹ gây ra ở Okinawa, khiến 85% người dân địa phương luôn kịch liệt phản đối và muốn Mỹ phải rời khỏi nơi này. Nhưng những tội ác trên vẫn chưa thấm vào đâu so với một kẻ giết người giấu mặt đang hiện diện tại Futenma: chất độc da cam. Điều tra của báo Japan Times khẳng định Okinawa trở thành điểm quá cảnh cho các chất diệt cỏ từ Mỹ đến Việt Nam mặc dù Lầu Năm Góc luôn phủ nhận điều này.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần phớt lờ các yêu cầu của các binh sĩ phục vụ trên đảo trong những năm 1970 và 1980 để xử lý chất độc da cam. Vào mùa hè năm 1981 khi loại hóa chất này được phát hiện trong nước thải từ căn cứ Futenma, Trung tá Kris Robert đã cho tiến hành khai quật được hơn 100 thùng hóa chất. Sau đó, ông bị phát hiện đã nhiễm hàng loạt các căn bệnh hiểm nghèo, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và các vấn đề về tim. Những căn bệnh của ông được cho là có liên quan đến chất độc da cam. Robert gửi yêu cầu đòi bồi thường nhưng trường hợp của ông đã rơi vào quên lãng. Trong thực tế, từ năm 1962 đến năm 2010, 132 cựu chiến binh phục vụ trên đảo Okinawa cũng đã yêu cầu đòi bồi thường vì những căn bệnh do chất độc da cam gây ra nhưng Lầu Năm Góc chỉ đáp trả bằng sự từ chối phũ phàng. Quân đội Mỹ cũng không tiến hành làm sạch các căn cứ cũ tại Futenma bất chấp những lo ngại về sức khỏe của con người khi chất độc da cam làm ô nhiễm nước ngầm và đất. Lý do đơn giản là để tiết kiệm chi phí tối đa thay vì phải đưa những thùng hóa chất trở lại Mỹ để xử lý.
Trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam có đến hàng triệu lít chất độc da cam được rải xuống các cánh rừng và làng mạc. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính có đến 3 triệu người Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của phơi nhiễm dioxin, với 150.000 trẻ em sinh ra mang dị tật bẩm sinh. Nhiều bệnh ngoài da, ung thư và các dị tật bẩm sinh khủng khiếp liên quan do tiếp xúc trực tiếp với chất độc da cam đã được phát hiện tại Việt Nam trong thời gian qua.
Giờ đây, Futenma đang hứng chịu di sản chết người khủng khiếp này. Người ta cho rằng, có 20 trường học và 10 trường tiểu học ở gần vị trí các thùng bị lưu trữ. Nỗi sợ hãi đã dấy lên khắp hòn đảo vào năm ngoái sau khi một cựu chiến binh Mỹ kể lại việc chôn cất hàng trăm thùng chất độc da cam tại thị trấn Chatan gần đó vào năm 1969. Japan Times cho rằng trái ngược với sự mong đợi của người dân, Chính phủ Nhật Bản từ chối kiểm tra chất độc dioxin ở Okinawa để không phá vỡ mối quan hệ với Mỹ.
Thanh Hằng