Khi nhà thầu - thiết kế - giám sát thi công là một
Luật Đấu thầu đã có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2014 và cũng kể từ ngày 15-8-2014 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì “Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát”. Quy định này mâu thuẫn với những quy định tại Luật Xây dựng 2003 và Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Điều này gây không ít khó khăn cho chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Cụ thể như sau:
1. Theo quy định tại Khoản 7 Điều 36 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP thì: “Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh…, nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thì không được ký hợp đồng tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình với chủ đầu tư đối với công trình do mình thiết kế, nhà thầu giám sát thi công xây dựng không được ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng đối với công trình do mình giám sát, trừ trường hợp được người quyết định đầu tư cho phép”.
Nếu nhà thầu thiết kế vi phạm quy định trên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản.
Nếu tuân thủ quy định tại Khoản 3 Điều 83 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau” thì quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP được áp dụng thay thế các quy định của các nghị định ban hành trước đó. Điều đó có nghĩa là Nhà thầu thiết kế được giám sát chính công trình do mình thiết kế được xây dựng bằng bất kỳ nguồn vốn nào.
2. Việc để nhà thầu thiết kế lại thực hiện giám sát thi công xây dựng sẽ có những bất lợi sau:
a) Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP thì Nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật đối với trường hợp thiết kế ba bước, nhà thầu lập thiết kế bản vẽ thi công đối với trường hợp thiết kế một bước hoặc hai bước cử người đủ năng lực để thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng theo chế độ giám sát không thường xuyên hoặc giám sát thường xuyên nếu có thỏa thuận riêng với chủ đầu tư trong hợp đồng.
Nếu thực hiện giám sát thi công xây dựng thì nhà thầu thiết kế phải thực hiện giám sát theo đúng hợp đồng chứ không thể thực hiện không thường xuyên được.
Như vậy nhà thầu tư vấn thiết kế ngoài nghĩa vụ thực hiện giám sát tác giả lại đèo bòng giám sát thi công xây dựng thì chắc chắn không thể giữ được thái độ khách quan và công tâm phục vụ chủ đầu tư.
b) Nhà thầu thiết kế vung tay “thiết kế” nên đã tạo điều kiện cho nhà thầu thi công “rút ruột ” khi giám sát chính công trình do mình thiết kế. Hẳn chưa ai quên vụ nhà thầu thi công đã bớt 50% cốt thép trong cọc khoan nhồi tại một dự án nhà ở Hà Nội. Nếu không kể lỗi nhà thầu thi công không theo thiết kế được phê duyệt thì xét về kỹ thuật việc rút bớt cốt thép trong cọc không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của cọc là lỗi của nhà thầu thiết kế. Tuy nhiên, đối với trường hợp này nhà thầu thiết kế cũng chính là nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng nên đã không hoặc cố tình không phát hiện.
c) Nhà thầu tư vấn thiết kế sẽ tự tung, tự tác khi điều chỉnh thiết kế vì những điều chỉnh này giúp nhà thầu thi công thuận lợi hơn và có nhiều “lãi hơn”. Hầu hết những công trình thuộc các dự án vay của các nhà tài trợ nước ngoài không đảm bảo chất lượng đều do nhà thầu thiết kế kiêm luôn giám sát thi công xây dựng.
d) Các hoạt động tư vấn này khép kín và không minh bạch. Nếu nhà thầu tư vấn giám sát thi công không độc lập với nhà thầu thi công và nhà thầu thiết kế công trình thì dễ gây tiêu cực trong hoạt động xây dựng.
Vì chất lượng các công trình xây dựng, Chính phủ cần yêu cầu các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng rà soát lại các Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công để tạo sự minh bạch, không khép kín trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng.
Lê Văn ThỊnh
Nguyên Trưởng phòng Giám định 1,
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng