Chất lượng nước sông Đồng Nai đáng lo ngại

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa công bố kết quả diễn biến chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai từ 2007 - 2012. Theo đó, sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa công bố kết quả diễn biến chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai từ 2007 - 2012. Theo đó, sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.

Cụ thể, mức độ ô nhiễm bởi dầu và coliform có xu hướng tăng dần. Chỉ tiêu kim loại nặng và độ mặn tuy vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép nhưng vẫn có xu hướng tăng cao qua các đợt quan trắc. Những nguồn thải ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước sông được xác định là từ nước thải sinh hoạt và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi tại khu vực Củ Chi, Hóc Môn và một lượng lớn nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương đổ về sông Sài Gòn.

Đồng thời, vẫn có lượng lớn nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đổ ra làm cho chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng xấu đi. Điều đáng nói là tình trạng dân số tập trung đông, lượng nước thải sinh hoạt rất lớn nhưng chưa được xử lý triệt để; nước thải y tế, nhất là nước thải ở các bệnh viện công và từ trạm trung chuyển rác hoặc bãi tập kết rác trong khu dân cư chưa được thu gom, xử lý triệt để; tràn dầu và các sự cố môi trường do hoạt động giao thông thủy vẫn còn xảy ra nhiều nhưng biện pháp ứng phó sự cố chưa thực sự hiệu quả đang là nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Không dừng lại đó, chế độ thủy văn của sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng khiến chất lượng nguồn nước bị thay đổi.

Trong mùa khô, khi lưu lượng dòng chảy vào sông giảm cộng với nếu không có xả nước điều tiết của hồ Dầu Tiếng, dòng chảy của sông sẽ rất thấp, kéo theo khả năng xâm nhập mặn tăng, chất lượng nước sông không bảo đảm cho việc lấy nước của nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Dầu Một.

Để cải thiện chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, nhất thiết phải chủ động điều tiết nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng. Theo đó, xây dựng chế độ vận hành tối ưu cho hồ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế cấp nước nông nghiệp và sinh hoạt cũng như đảm bảo chất lượng nước sông Sài Gòn ở hạ lưu đập. Đặc biệt, khi hồ Phước Hòa đưa vào vận hành góp phần chuyển nước bổ sung cho hồ Dầu Tiếng, chế độ điều tiết nước và vận hành liên hồ cần được xây dựng.  

P. ANH

Tin cùng chuyên mục