Tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế
Nhân viên y tế “cầm” cả xấp phong bì của người nhà bệnh nhân; “nấu cháo” điện thoại trong khi hàng dài người bệnh đang xếp hàng chờ làm thủ tục khám; bác sĩ nhận tiền bồi dưỡng của người nhà sản phụ nhưng khi tai biến xảy ra thì trả lại… Chưa kể, tại một số cơ sở y tế vẫn chậm chuyển đổi, người bệnh vẫn nằm ghép, chờ đợi. Thế nhưng, giá dịch vụ y tế vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lên từ tháng 8 tới, sau 4 tháng điều chỉnh lần một từ ngày 1-3 vừa qua.
Khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện 115 (TPHCM). Ảnh: Mai Hải
Chuyển biến chưa đáng kể!
Ghi nhận tại một số bệnh viện (BV) ở TPHCM cho thấy mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng chờ đợi, quá tải, nằm ghép vẫn còn diễn ra. Tại BV Ung bướu TPHCM, hàng dài người bệnh vẫn chen chúc mỗi ngày, thậm chí ngồi bệt trên những hành lang, lối đi và các gầm cầu thang… “Đã cố gắng hết sức nhưng quy mô BV chỉ có vậy, cơ sở vật chất chỉ có vậy. Có muốn cơi nới cũng không có chỗ mà thêm”, bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV, áy náy. Nói về việc đã điều chỉnh viện phí từ 1-3 và được trích lại một phần thu từ viện phí để tái đầu tư phục vụ người bệnh, BS Minh cho biết đã tăng bàn khám, cải cách công nghệ thông tin... nhưng mới giải quyết được một phần nhỏ.
Còn tại BV Chấn thương chỉnh hình TP, người bệnh vẫn ngán ngẩm mỗi lần chờ đến lượt khám. Thực tế cho thấy, sau đợt đầu tiên điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, các cơ sở y tế đã ý thức nâng cao chất lượng, hướng đến sự hài lòng người bệnh nhưng “năng lực” vẫn có hạn! Ngược lại, tại một số cơ sở y tế, nhất là tuyến dưới, tuyến tỉnh vẫn còn những bất cập như chậm cải tiến, thay đổi, chậm tiếp cận chuyển giao các kỹ thuật, đáng nói là thái độ y đức vẫn còn những tồn tại như thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm…
Mặc dù vậy, theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh mức giá viện phí, Bộ Y tế vẫn nhất định một lộ trình tăng giá các dịch vụ y tế đến hết năm 2017 theo hướng tính đúng, tính đủ “trọn gói”. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết từ nay đến cuối năm 2017, việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt. Theo đó, mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 - 12 tỉnh, thành. Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8 tới, tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%... “Việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương, các BV phải đảm bảo chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định hoặc thu các khoản không có trong quy định”, ông Liên cho biết.
“Dồn” bảo hiểm
Với việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đòi hỏi người bệnh suy nghĩ đến bảo hiểm y tế (BHYT). Trước đó, từ ngày 1-3-2016, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế đã tăng giá bình quân khoảng 30% và chỉ áp dụng cho bệnh nhân có BHYT. Điều đáng nói, theo quy định, các cơ sở y tế phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh ngoại, nội trú, tăng giường bệnh, mua bổ sung, thay mới chăn drap, gối đệm, quạt... để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Một cán bộ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện nay ở nhiều BV, nhà vệ sinh vẫn dơ dáy, không có xà phòng, không có cây xanh, rác vứt bừa bãi, giường bệnh thì chiếu rách, drap giường cũ… Tuy chưa có nhiều chuyển biến nhưng với điều chỉnh tăng giá, người bệnh quan ngại về gánh nặng chi phí.
Thanh toán BHYT tại một bệnh viện của TPHCM
|
Điều đáng nói, trong khi một phần giá dịch vụ y tế tại BV công lập vẫn được Nhà nước bao cấp thì các yếu tố cấu thành giá đã được bảo hiểm xã hội chấp thuận thanh toán cho BV tư. Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết đến nay toàn TP đã có 50 cơ sở y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT. Hiện các chi phí khám bệnh, chỉ định cận lâm sàng, thuốc điều trị tại khối y tế tư nhân được quỹ BHYT thanh toán tương đương với khối công lập. Đặc biệt, sau ngày 1-3, Bộ Y tế điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ thì cơ sở y tế tư nhân được thanh toán gói dịch vụ BHYT cao hơn khối công lập. Y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT cho người dân sẽ tạo nhiều thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế sẽ giảm dần và chuyển phần tiền đó sang hỗ trợ người dân mua BHYT. Đồng thời tiếp tục điều chỉnh giá đối với những người không có thẻ BHYT để bảo đảm bình đẳng giữa hai nhóm đối tượng, thúc đẩy người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên để tránh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, từ cuối năm nay đến đầu 2017, mỗi đợt chỉ thực hiện điều chỉnh khoảng 8 - 10 tỉnh, thành phố. Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đến năm 2018 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Năm 2020 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Giá dịch vụ y tế tính đúng tính đủ bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
TƯỜNG LÂM