
Trong khi Quốc hội Mỹ còn đang tranh cãi về kế hoạch cải cách y tế đã lỗi thời do Tổng thống Barack Obama đề xướng, thì hàng ngàn người hưu trí Mỹ vẫn đang đổ về Mexico và nhiều nước khác để tìm giải pháp riêng chăm sóc sức khỏe cho mình.
- Chi phí cao, chất lượng thấp
Nếu như hàng chục triệu người Mỹ phải tiêu tốn hơn 7.000 USD mỗi năm để chăm sóc sức khỏe, thì tại Mexico, chỉ cần 250 USD/năm, người dân nước này có thể được hưởng một chế độ “chăm sóc y tế không giới hạn”: từ cấp thuốc, xét nghiệm, chụp X-quang, thay thấu kính cho mắt, làm răng…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hệ thống y tế Mỹ hiện xếp thứ 37 trong số các nước giàu. So với các nước khác, bệnh nhân tại Mỹ có nguy cơ bị cấp nhầm thuốc, kết quả xét nghiệm chậm hoặc sai lại cao hơn. Hàng năm, có khoảng 200.000 người mất mạng từ những sơ suất trong bệnh viện.
Bà Cathy Schoen, một giới chức của Quỹ Khối Thịnh Vượng Chung nói rằng các cuộc khảo sát cho thấy phân nửa số người Mỹ không có bảo hiểm nên không đi khám bác sĩ hoặc không dùng thuốc vì chi phí quá đắt đỏ.
Chi tiêu cho hệ thống chăm sóc y tế Mỹ chiếm khoảng 8% thu nhập quốc gia – một khoảng tương tự như hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu.
Tuy nhiên, nếu như tại các nước này hệ thống y tế chăm lo cho mọi thành phần dân chúng, thì tại Mỹ lại không được như vậy. Hiệp hội Chăm sóc y tế quốc gia (NCHC) tại Washington DC cho biết, một hóa đơn tại bệnh viện Mỹ trung bình không dưới 6.280 USD, gấp hai lần so với các nước phương Tây khác.
Các nước phát triển đều theo đuổi và thực hiện chuẩn mực “một xã hội văn minh và thịnh vượng là bất cứ ai bị bệnh cũng có thể được bác sĩ khám” thì nước Mỹ đến nay vẫn chưa thực hiện được những cam kết cơ bản nhất về chăm sóc sức khỏe cho dân.
Theo Viện Y khoa Mỹ, khoảng 18.000 người dân nước này chết mỗi năm, đơn giản chỉ vì họ không tiếp cận được hệ thống chăm sóc y tế cơ bản nhất vốn thừa khả năng cứu sống họ.
- Cuộc tháo chạy
Với chính sách bảo hiểm từ vài trăm USD đến vài ngàn USD hàng tháng, người dân Mỹ phải tìm đến những quốc gia nghèo hơn như Canada, Costa Rica, Cuba, Mexico, Panama, Brazil, Columbia, và Uruguay... để được chữa bệnh. Thậm chí nhiều người Mỹ cũng đã sang Ấn Độ, một quốc gia đông dân nhất nhì hành tinh, để chữa bệnh.
Một báo cáo của các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Harvard vừa công bố ở Mỹ - bình quân cứ 12 phút có một người - chết vì thiếu bảo hiểm y tế. Trong năm 2008, có 46,3 triệu người Mỹ không được bảo hiểm y tế so với 45,7 triệu người hồi năm 2007. Những người không được bảo hiểm y tế có tỷ lệ thiệt mạng cao hơn những người có bảo hiểm y tế 40%. |
Thay vì ngập đầu trong đống nợ 100.000 USD cho 2 ca mổ bàng quang và vai trái, một người Mỹ có thể tiết kiệm được 20.000 USD nếu đến mổ ở Ấn Độ và còn được tặng một chuyến tham quan đền Taj Mahal. A.Enthoven, một quan chức cấp cao thuộc Trung tâm Chính sách y tế ở California, cho biết: “Chăm sóc y tế toàn cầu đang ngày càng phổ biến trong khi chăm sóc y tế Mỹ lại có giá cao ngất ngưởng, vượt quá tầm với của nhiều người. Hệ thống chăm sóc y tế Mỹ cần được điều chỉnh”.
Nếu như ở Đức, Nhật và Thụy Sĩ, chính phủ áp dụng hệ thống bệnh viện và bảo hiểm tư nhân, thì ở Anh lại vận hành hệ thống “Beveridge” (hệ thống y tế toàn diện dựa trên thuế thu nhập). Trước khi có hệ thống Beveridge, hệ thống y tế của Anh cũng giống như tại Mỹ.
Nhưng hiện nay, tất cả người sống ở Anh, kể cả những người chỉ đến Anh để làm việc, không phải là công dân, đều được chăm sóc sức khỏe qua hệ thống Beveridge. Khác với hệ thống ở Pháp hay ở một số quốc gia Âu châu khác, hệ thống này của Anh quốc không đòi người dân đóng góp thêm. Toàn thể hệ thống được chi bằng tiền thuế của người dân.
- Mâu thuẫn từ Quốc hội
Mặc dân chúng Mỹ biểu tình rầm rộ để phản đối các kế hoạch cải cách và chi tiêu của chính phủ, Tổng thống Barack Obama cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tham vọng cải cách hệ thống y tế đã lỗi thời của Mỹ.
Ông cho biết sự giận dữ của người dân Mỹ hiện nay chủ yếu là về khoản chi tiêu quá lớn chứ không phải do kế hoạch cải cách y tế được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự này. Điều mà người dân Mỹ kỳ vọng nhất hiện nay là chính quyền bắt đầu giải quyết những vấn đề lớn mà nước Mỹ đang phải đối mặt, trong đó có chương trình cải cách hệ thống y tế.
Ông Obama bày tỏ tin tưởng Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch “lịch sử” này mặc dù tới nay vẫn chưa có sự hợp tác đầy đủ từ phe Cộng hòa. Phe Cộng hòa lo ngại chương trình này sẽ dẫn tới việc chính phủ chi phối hoạt động bảo hiểm y tế trên toàn liên bang.
Trong một bài phát biểu “hiếm có” trước Quốc hội Mỹ vào tối 9-9, Tổng thống Barack Obama xác nhận hệ thống y tế của Mỹ còn kém xa hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới, mặc dù chi phí y tế của Mỹ lại bỏ xa các nước khác. Ngoại trừ các dịch vụ phòng chống bệnh tật, Mỹ bị bỏ xa một cách đáng kể, nhất là trong lãnh vực chăm sóc y tế cho người có thu nhập thấp và không có bảo hiểm sức khỏe. Nước Mỹ đang tồn tại một khoảng cách lớn nhất đối với người không có bảo hiểm
HẠNH CHI
(Theo CSM, USA Today)