Chật vật mô hình bác sĩ gia đình

Mặc dù đã triển khai thí điểm tại 7 tỉnh từ hai năm qua, nhưng đến nay mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) chỉ mới thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố. Điều đáng nói, kết quả qua đánh giá sơ kết cho thấy hiệu quả chưa cao bởi quy trình phòng khám BSGĐ chưa vận hành đúng tiêu chuẩn, nhân sự chưa kiện toàn, thủ tục còn rối rắm nên người dân chưa lựa chọn. Tuy vậy, tại hội nghị sơ kết mới đây, Bộ Y tế vẫn “chủ xướng” nhân rộng, mặc cho điều kiện thực tế vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế!
Chật vật mô hình bác sĩ gia đình

Mặc dù đã triển khai thí điểm tại 7 tỉnh từ hai năm qua, nhưng đến nay mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) chỉ mới thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố. Điều đáng nói, kết quả qua đánh giá sơ kết cho thấy hiệu quả chưa cao bởi quy trình phòng khám BSGĐ chưa vận hành đúng tiêu chuẩn, nhân sự chưa kiện toàn, thủ tục còn rối rắm nên người dân chưa lựa chọn. Tuy vậy, tại hội nghị sơ kết mới đây, Bộ Y tế vẫn “chủ xướng” nhân rộng, mặc cho điều kiện thực tế vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế!

Khám bệnh tại Phòng khám BSGĐ ở Bệnh viện Quận 2 TPHCM.

Hiệu quả chưa cao

Là một trong những địa phương đi đầu triển khai mô hình BSGĐ, đến nay, TPHCM đã có 149 phòng khám BSGĐ tại 20/23 bệnh viện quận/huyện và trạm y tế, nhưng không phải phòng khám BSGĐ nào cũng hoạt động hiệu quả. Với 5 bàn khám được đưa vào hoạt động thí điểm từ tháng 10-2012, Bệnh viện (BV) Quận 10 là một trong hai nơi đầu tiên được Sở Y tế TPHCM chọn triển khai mô hình BSGĐ khép kín từ khám, chẩn đoán đến xét nghiệm cận lâm sàng. Theo đó, mỗi ngày khám cho khoảng 150 người bệnh, chủ yếu diện bảo hiểm y tế (BHYT) và mắc các bệnh lý thông thường. Theo lãnh đạo BV Quận 10, mô hình BSGĐ đảm bảo được 2 yếu tố then chốt là liên tục và hệ thống. BV cũng đã hoàn thiện phần mềm cho phép BSGĐ có thể khám bệnh và tư vấn từ xa cho bệnh nhân qua internet.

Tiếp theo BV Quận 10 là BV Quận Bình Tân, BV Quận 2. Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, phòng khám BSGĐ được sự kết hợp hỗ trợ của Trường Đại học Y Dược TPHCM như là một cơ sở thực hành. Hiện phòng khám tiếp nhận trung bình trên 200 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên, ngoài các BV “điển hình” nói trên thì phòng khám BSGĐ ở một số BV, trạm y tế khác chưa thu hút nhiều người bệnh. Đáng nói là mô hình BSGĐ tại các trạm y tế phường, xã lại càng “lèo tèo” người bệnh đến khám. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, năng lực khám chữa bệnh ở các trạm y tế chưa phù hợp với yêu cầu mô hình phòng khám BSGĐ do danh mục thuốc BHYT hạn chế, chưa thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng cơ bản (siêu âm tổng quát, đo điện tim, X-quang…).

Thực tế, ngoại trừ TPHCM, một số địa phương triển khai mô hình BSGĐ lại gặp khá nhiều khó khăn. Trong số 6 địa phương có triển khai mô hình BSGĐ, chỉ có 5 địa phương báo cáo có lượt bệnh nhân đến khám với tổng số 353.000 lượt người khám chữa bệnh, 2.743 lượt cấp cứu, chuyển tuyến 11.514 ca… Riêng tỉnh Tiền Giang không có lượt bệnh nhân nào đến khám tại phòng khám BSGĐ. Theo đại diện của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, hầu hết các phòng khám BSGĐ lồng ghép chung trong các trạm y tế xã, phường.

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên vẫn diễn ra, một phần do mô hình bác sĩ gia đình chưa phát huy hiệu quả.Ảnh: Hải Thụy

Khó khăn vẫn phải làm

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, mô hình BSGĐ của Việt Nam học hỏi mô hình của các nước tiên tiến khác, nhưng do đặc thù hệ thống y tế nên còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, mục tiêu đưa BSGĐ về các trạm y tế để trạm như là vệ tinh cho BV quận, huyện chưa phát huy hiệu quả. “Trạm y tế vốn dĩ chưa tạo được niềm tin thì người bệnh nào đến với BSGĐ”, một chuyên gia y tế nhìn nhận. Trong khi trạm y tế thì èo uột bác sĩ, danh mục thuốc BHYT nghèo nàn, thiết bị cận lâm sàng sơ sài. Ngoài ra, nhân lực phục vụ cho phòng khám BSGĐ tại các trạm y tế không đủ do phải tập trung thực hiện công việc chung của trạm như: tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, các chương trình chăm sóc sức khỏe…

Báo cáo tại Hội nghị “Sơ kết đề án thí điểm BSGĐ và xây dựng đề án nhân rộng mô hình BSGĐ giai đoạn 2016 - 2020”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết các phòng khám BSGĐ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực do vừa vất vả, vừa ít tiền. Toàn quốc mới đào tạo được hơn 700 BSGĐ nên nhân lực còn quá mỏng. Mặt khác, mạng lưới BSGĐ hiện nay cũng chưa triển khai được ở phòng khám tư nhân, do nơi đây thu từ 100.000 - 200.000 đồng/lần khám bệnh, nhưng BHYT chỉ chi trả có 20.000 đồng nên họ không mặn mà! Ngoài ra, khi triển khai mô hình này trong hệ thống y tế tư nhân, việc cấp chứng chỉ hành nghề đòi hỏi bác sĩ phải có văn bằng chuyên ngành y học gia đình nên nhiều bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa khác không muốn đào tạo lại. Bên cạnh đó, các phòng khám BSGĐ chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin trong quá trình quản lý bệnh nhân.

Qua khảo sát thực tế Phòng khám BSGĐ tại BV Quận 2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhìn nhận người dân chưa hiểu đúng về BSGĐ, một số BV quận - huyện, trung tâm y tế có phòng khám BSGĐ nhưng vai trò mờ nhạt do kiêm nhiệm quá nhiều việc, ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao (quản lý bệnh án điện tử chưa toàn diện), chưa kết nối được với BV các tuyến nên chuyển viện cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn… Đó là chưa kể cơ chế quản lý phòng khám BSGĐ hiện còn chồng chéo, chưa rõ ràng, quyền hạn BSGĐ bị hạn chế dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người bệnh… BHYT cũng là một trắc trở khi triển khai mô hình BSGĐ.

Rõ ràng, qua 2 năm thí điểm, mô hình BSGĐ được triển khai khá “chật vật” và hiệu quả chưa như mong đợi. Thế nhưng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian tới ngành y tế sẽ hoàn chỉnh mô hình, xác định phạm vi, quy mô, chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ và các điều kiện đảm bảo hoạt động như: giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế… Đồng thời sẽ nhân rộng mô hình BSGĐ ở các địa phương.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục